Người có nhu cầu vay mua nhà ở vẫn muốn chờ lãi suất thấp hơn nữa, giá nhà giảm thêm nữa
Ngân hàng rộng cửa…
Khác với trước đây, hiện NHNN không còn khoanh vùng đối với cho vay phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng, các ngân hàng được rộng cửa cho vay tiêu dùng.
Trước nhu cầu vay của doanh nghiệp sụt giảm, trong khi nguồn vốn khả dụng dôi dư, cùng với chiều hướng đi xuống của mặt bằng lãi suất, các ngân hàng đang có điều kiệt tốt để mở rộng tín dụng tiêu dùng cá nhân.
Tại ACB, Ngân hàng chủ trương vẫn sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng tiêu dùng một cách có kiểm soát trong các tháng còn lại của năm. Gần đây, Ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà ở, tiêu dùng… Trong đó, riêng cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo), ACB cấp hạn mức đến 500 triệu đồng/khách hàng. Theo đánh giá của ACB, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng; thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn đang tăng, nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng cũng tăng tương ứng. Có thể nói, lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng ở Việt
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Gia Định, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, chiến lược của Ngân hàng tiếp tục là đẩy mạnh triển khai dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân, nhất là với tín dụng bất động sản tiêu dùng. Tỷ lệ dư nợ bất động sản của Sacombank chiếm khoảng 10 - 15% tổng dư nợ của Ngân hàng. Song ông Định cho biết, chỉ có một phần nhỏ trong đó được Sacombank “rót” cho các chủ đầu tư vay để đầu tư các dự án. Phần còn lại chủ yếu cho vay bất động sản tiêu dùng. Trong năm nay, Sacombank đã và đang triển khai trở lại việc cho vay tín chấp, nhưng thận trọng và hạn chế.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nicholas Chee, Giám đốc Khối kinh doanh tiêu dùng của MeKong Bank cho hay, cho vay cá nhân là một trong những sản phẩm chủ lực của Ngân hàng. MeKongBank đang cung cấp các khoản vay không tài sản bảo đảm cho cá nhân vay tiêu dùng. Theo đó, hạn mức tín dụng của khách hàng lên đến 10 lần tiền lương hàng tháng với mức vay tối đa 250 triệu đồng. Lãi suất hiện nay của MeKongBank là khoảng 16%/năm cho kỳ hạn ngắn và 16,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
… vẫn ít khách vào
Mặc dù đã rộng cửa đối với tín dụng tiêu dùng, song các nhà băng cho biết, cũng không dễ giải ngân trước bối cảnh thị trường hiện nay. Khách hàng cá nhân vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu và nợ xấu vẫn là rào cản trong phát triển tín dụng.
Đối với tín dụng bất động sản tiêu dùng, mặc dù không ít ngân hàng đã đưa ra chính sách ưu đãi lãi suất 0% trong thời gian đầu và áp dụng mức phổ biến 12 - 14%/năm trong các kỳ tiếp theo, nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa muốn vay. Kỳ vọng của các cá nhân hiện nay, theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, là muốn lãi suất cũng như giá nhà, đất giảm thêm.
Phía ngân hàng hiện cũng vẫn đặt mục tiêu kiểm soát chất lượng tín dụng lên hàng đầu. Ngay với chương trình cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân thu nhập thấp trong gói vốn 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng vẫn thận trọng xét duyệt. Do đó, số hợp đồng được ký kết, đến thời điểm này, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, tính riêng khu vực TP. HCM, đến thời điểm này, mới chỉ mới có BIDV và Vietcombank ký được 20 hợp đồng với khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 20 hợp đồng trên khoảng 10 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào. Đánh giá về tiến độ giải ngân của gói tín dụng dành cho cá nhân mua nhà này, ông Minh cho rằng, khó có thể kỳ vọng giải ngân lượng lớn trong thời gian sớm.