Chìa khóa phát triển bền vững
Khảo sát của Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) cho thấy, có đến 84% doanh nghiệp cho rằng đổi mới, sáng tạo là cực kỳ, hoặc rất quan trọng đối với chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Dự án Nghiên cứu Innovation của Viet Research nhận định, đổi mới, sáng tạo là quá trình tạo ra giá trị mới bằng cách tận dụng các ý tưởng mới, công nghệ mới hoặc cách tiếp cận mới. Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm hiện có hoặc tạo ra cách tiếp cận mới để tiếp cận thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tăng cường sức cạnh tranh và giành được thị phần từ các đối thủ.
Thứ hai, với các sản phẩm và dịch vụ mới, doanh nghiệp có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hoặc mở rộng thị trường, từ đó có thể tăng doanh thu, lợi nhuận. Thứ ba, việc cải tiến các quy trình sản xuất hoặc cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh về giá cả. Thứ tư, những sản phẩm hoặc dịch vụ mới, đột phá sáng tạo của doanh nghiệp có thể giúp tăng giá trị thương hiệu và tạo niềm tin, lòng tin của khách hàng. Thứ năm, việc đổi mới, sáng tạo có thể tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng và động lực cho nhân viên, từ đó tăng năng suất và hiệu quả làm việc.
Đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Việt Nam vào năm 2045 sẽ trở thành một nước phát triển.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh công nghệ số phát triển như vũ bão. Vậy nên, đổi mới, sáng tạo cần gắn với kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn cần thay đổi cách thức phát triển, mô hình tăng trưởng để có thể dựa nhiều hơn vào đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động, chứ không phải chỉ dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ. Vậy nên, đổi mới, sáng tạo chính là để thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Việt Nam vào năm 2045 sẽ trở thành một nước phát triển”, ông Thành nói.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà cho biết, xác định đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn trong bối cảnh hội nhập, Công ty đã phát triển và vận hành hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống phân phối.
“Chúng tôi tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, hợp tác chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy nghiên cứu mới, cải tiến công nghệ, phát triển đa dạng hóa sản phẩm. Điều này giúp cung cấp giải pháp y tế đa dạng và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường”, đại diện Công ty chia sẻ.
Chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, kiểm soát được các rủi ro, tối ưu nguồn lực, tăng hiệu quả kinh doanh, mà còn giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Ðây là cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm được cho mình mô hình kinh doanh linh hoạt hơn, bắt kịp xu hướng hiện đại. Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là cánh cửa để doanh nghiệp tăng năng suất lao động, thúc đẩy không ngừng tính đổi mới sáng tạo, tự động hóa, đảm bảo nguồn cung ứng dược phẩm trong nước.
Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Đối ngoại Công ty cổ phần Masan High - Tech Materials (mã chứng khoán MSR) chia sẻ, hiểu rõ tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, Masan High-Tech đã đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tính đến năm 2022, Công ty đã có 95 bằng sáng chế mới trên toàn thế giới và 50 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn ứng dụng.
Tại Ngân hàng Vietcombank, theo ông Lê Hoàng Tùng, Kế toán trưởng Ngân hàng, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến, sáng tạo được chú trọng đầu tư. Nhiều dự án chuyển đổi, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ quản trị đã được triển khai và đưa vào vận hành thành công như Co-Banking. Chương trình chuyển đổi số với mục tiêu lọt Top đầu về mức độ trưởng thành về chuyển đổi số trong khu vực vào năm 2025 được triển khai quyết liệt.
“Xác định đổi mới, sáng tạo là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Vietcombank đang chú trọng cho hoạt động này. Đổi mới, sáng tạo không chỉ là hoạt động về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người và văn hóa. Cách thức mà Vietcombank làm là thay đổi cách làm việc và thay đổi văn hóa để thành công”, ông Tùng cho biết thêm.
Còn nhiều rào cản
Theo ông Nguyễn Văn Trúc, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn có một số rào cản khiến cho quá trình đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp còn hạn chế.
Thứ nhất, các doanh nghiệp thường xuyên gặp khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực và tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới hoặc đột phá sáng tạo, do giới hạn từ khả năng tiếp cận vốn đến chứng minh sự khả thi của đề án.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp không có đội ngũ nhân viên có đủ năng lực và kiến thức cần thiết để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới hoặc đột phá sáng tạo.
Thứ ba, quá trình đổi mới không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo và năng lực, mà còn đòi hỏi sự kiên trì và thử nghiệm. Các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các ý tưởng mới, hoặc đột phá sáng tạo do sự phản đối hoặc áp lực từ các nhân viên hoặc khách hàng.
Cuối cùng, phải kể đến việc các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn với các quy định pháp lý hoặc văn hóa trong quá trình thực hiện đổi mới, sáng tạo.
“Để vượt qua các rào cản này, doanh nghiệp cần tìm cách tạo ra môi trường thích hợp và đầu tư cho việc phát triển năng lực, tạo động lực cho nhân viên và giải quyết các vấn đề pháp lý và văn hóa”, ông Trúc khuyến nghị.