Nhiều thay đổi quan trọng
Thay vì quy định DNNN là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, số lượng DNNN sẽ còn rất ít, nhiều doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa để bình đẳng về địa vị, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về bảo hộ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý tập đoàn kinh tế, quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ - công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, như công khai điều lệ hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung tập đoàn.
Đáng chú ý, Luật yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế về quản trị DNNN. Theo đó, DNNN sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường, với mức độ công khai hóa thông tin tương tự như công ty cổ phần niêm yết.
Làm rõ vai trò của người đại diện
Luật Doanh nghiệp quy định, Nhà nước có người đại diện vốn tại các công ty TNHH, công ty cổ phần. Đồng thời, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp có những quy định khá rõ về người đại diện vốn nhà nước.
Người đại diện vốn nhà nước có thể đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông, thành viên, chủ sở hữu là Nhà nước; có thể đồng thời là cổ đông, thành viên và người quản lý công ty.
Từ những vai trò đó, để cải thiện quản trị DN, rất cần lưu ý tách bạch được và phân biệt được một cách rõ ràng từng vai của người đại diện bởi vì mỗi vị trí đều có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mục tiêu khác nhau.
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường KD và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Cụ thể, trong quan hệ với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện là người thông qua đó để chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu thu thập thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Trong quan hệ với doanh nghiệp, người đại diện là người trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên.
Còn trong quan hệ với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước không đương nhiên là người quản lý doanh nghiệp, đã là người quản lý doanh nghiệp thì cũng không “đương nhiên” bị thôi giữ chức vụ đó khi thôi không còn là người đại diện phần vốn nhà nước.
Bởi vậy, khi người đại diện vốn nhà nước đồng thời là người quản lý doanh nghiệp (rất phổ biến tại Việt Nam) thì phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của người quản lý: trung thành, trung thực, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp.
Người đại diện vốn cần thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Trong một số trường hợp, 3 vai trò nêu trên xảy ra việc không thống nhất về lợi ích, mục tiêu, thì vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước phải “hài hòa hóa” các lợi ích này, nhằm lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó, cổ đông nhà nước cần xác định một cách rõ ràng mục tiêu sở hữu phần vốn góp/cổ phần; mục tiêu này phải hài hòa với mục tiêu chung của doanh nghiệp, cổ đông khác. Một trong những giải pháp để hài hòa mối quan hệ là tăng cường trao đổi, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.
Một điểm rất đáng lưu ý khác là cổ đông nhà nước cần phải tránh việc hiểu nhầm hoặc ít nhất kiềm chế ham muốn thiên về quyền lực hơn là mục tiêu kinh doanh khi đầu tư vào doanh nghiệp. Một trong những cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là tách bạch giữa sở hữu và quản trị/quản lý doanh nghiệp, thiết lập bộ máy quản trị điều hành chuyên nghiệp, bao gồm những người có khả năng, trình độ và không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.