Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá trên 36 tỷ USD

Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá trên 36 tỷ USD

Nhận diện quan hệ thương mại Việt – Trung

Trong bối cảnh mới, đã đến lúc cần phải tỉnh táo nhìn lại quan hệ thương mại với Trung Quốc để có điều chỉnh cần thiết. Báo Đầu tư xin giới thiệu bài viết của GS-TSKH Nguyễn Mại về vấn đề này, nhằm chủ động đối phó với tình huống xấu nhất mà nước láng giềng phương Bắc có thể gây ra đối với Việt Nam.

Ý đồ thôn tính Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc đã được biểu hiện rõ ràng trong việc Quốc hội nước này thông qua Bộ luật Lãnh hải vào tháng 2/1992, theo đó, toàn bộ Biển Đông được coi là chủ quyền của CHND Trung Hoa.

Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nằm trong chuỗi sự kiện đã được nước này tiến hành trên Biển Đông, như tháng 1/1974, chiếm đảo Vĩnh Hưng; tháng 3/1988, chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam; tháng 1/1995, gây ra sự kiện đảo Vành Khăn (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Tế); tháng 3/1987, đưa giàn khoan Kalta 3 với hai tàu dẫn đường 206 và 208 tiến hành khoan thăm dò trong Vịnh Bắc Bộ cách điểm gần nhất của đường cơ sở Việt Nam 55 hải lý và của bờ biển Việt Nam 66,5 hải lý…

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, trong tương lai, Trung Quốc sẽ tìm mọi phương thức để thực hiện chủ trương đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và một số nước và vùng lãnh thổ.

Nhìn lại quan hệ thương mại hai chiều

Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, hoạt động thương mại đã gia tăng nhanh chóng, nhưng diễn biến theo các chiều hướng khác nhau. Kim ngạch xuất khẩu trong thập niên 90 của thế kỷ trước đạt gần 4,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 4,3 tỷ USD, xuất siêu 600 triệu USD. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI, quan hệ mậu dịch giữa hai nước diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Năm 2001, xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, nhập siêu gần 200 triệu USD. Từ đó đến nay, trong khi bình quân hàng năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 28,6%, thì kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 18%, nên tình trạng nhập siêu gia tăng nhanh chóng.

Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 49,2 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam xuất khẩu 12,3 tỷ USD, nhập khẩu 36,9 tỷ USD, nhập siêu 23,7 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2011 (13,8 tỷ USD).

Với kim ngạch thương mại hai chiều gần 50 tỷ USD, thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên là hiển nhiên, nhất là giữa nước ta với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Do vậy, cảnh giác là cần thiết, nhưng cũng cần thấy rằng, các doanh nghiệp nước này không dễ từ bỏ thị trường tiềm năng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho họ.

Tình trạng nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay, đã có hẳn đề tài khoa học cấp nhà nước do một thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì thực hiện, nhưng không hiểu sao nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng (?). Nên đánh giá như thế nào về tình trạng này, có phải Việt Nam đang lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc (?). Làm thế nào để giải quyết thực trạng đó (?).

Các vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận đa chiều, khách quan nhằm tìm ra giải pháp đúng để vừa tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại hai chiều có lợi cho nước ta, vừa khắc phục được những hạn chế trong xuất khẩu và nhập khẩu với Trung Quốc.

Về nhập khẩu hàng hóa, theo số liệu thống kê, trong hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì 10% là hàng tiêu dùng, 30% là máy móc - thiết bị, 60% là hàng trung gian (linh kiện, nguyên phụ liệu).

Về 10% hàng tiêu dùng, không thể phủ nhận hàng của Trung Quốc có mẫu mã, kiểu dáng khá hấp dẫn, giá cả khá cạnh tranh, chi phí vận chuyển về Việt Nam thấp hơn các thị trường khác, nên quần áo, đồ chơi, hoa quả, thực phẩm Trung Quốc đã tràn vào thị trường nước ta, góp phần thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của một số tầng lớp dân cư. Tuy vậy, tình trạng nhập khẩu quá nhiều hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, chủ yếu thông qua tiểu ngạch, một phần là buôn lậu qua biên giới, đã kìm hãm sự phát triển của công nghiệp nước ta.

Hiện nay, điều đáng quan tâm là, không ít mặt hàng kém chất lượng, độc hại có xuất xứ Trung Quốc cũng được bán trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những năm gần đây, với phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, kiểu dáng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nên đã lấy được lòng tin của người mua, tăng dần tỷ trọng và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Do vậy, một mặt cần nhận thức rằng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm giữa hai nước là nhu cầu khách quan để bù đắp lẫn nhau, vấn đề cần quan tâm là phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhất là ngăn ngừa, xử lý hàng kém phẩm chất, độc hại.

Về 30% máy móc - thiết bị, cần dựa trên điều tra để có được số liệu thống kê về tình trạng công nghệ, giá cả sản phẩm nhập khẩu của từng ngành hàng, đối chiếu với năng lực ngành cơ khí chế tạo trong nước và sản phẩm cùng loại có thể nhập khẩu từ những nước khác để đưa ra những nhận định chính xác, từ đó có chủ trương và hướng dẫn doanh nghiệp trong nước lựa chọn đúng đắn trước khi có nhu cầu nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp cho rằng, không ít máy móc, thiết bị của Trung Quốc phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, có những thứ chất lượng tốt, giá cả thấp hơn sản phẩm cùng loại của các thị trường khác. Tuy nhiên, đáng tiếc là, không ít máy móc, thiết bị của Trung Quốc không bảo đảm chất lượng vẫn được đưa vào nước ta.

Về 60% hàng trung gian với kim ngạch nhập khẩu gia tăng nhanh chóng, ở đây có nhân tố khách quan. Đó là, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến tăng nhanh, thì công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, nên phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu, linh kiện. Nhân tố chủ quan là do gần với “công xưởng lớn của thế giới”, nên việc nhập khẩu hàng hóa trung gian khá dễ dàng từ Trung Quốc đã trở thành thói quen của một số nhà sản xuất Việt Nam, cho dù kéo dài tình trạng đó làm hạn chế giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp và lợi nhuận của doanh nghiệp. Để từ bỏ thói quen đó, phải thay đổi tư duy theo hướng sáng tạo, tìm kiếm mô hình sản xuất hiệu quả nhất trong điều kiện hội nhập sâu với khu vực và thế giới.

Cảnh giác tình trạng buôn bán lừa đảo

Về xuất khẩu hàng hóa, là nước có chung hàng ngàn kilômét đường biên giới, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản, hải sản và công nghiệp nhẹ mà nước ta có thể đáp ứng.

Trong 5 tháng đầu 2014, nước ta đã xuất sang Trung Quốc 6,189 tỷ USD, chiếm 10,58% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng 70% trái cây tươi, rau quả của Việt Nam, chiếm 33% trong 6,6 triệu tấn gạo xuất ra thị trường thế giới năm 2013 và 41,75% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu 2014, là thị trường lớn thứ tư về hàng thủy sản.

Tuy vậy, phần lớn hàng nông sản, thủy sản được xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, nên chứa đựng nhiều rủi ro. Mặc dù trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nước ta đã yêu cầu chuyển sang buôn bán chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch, nhưng không được thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là xuất nhập khẩu tiểu ngạch thuận tiện hơn, những lúc “thuận buồm, xuôi gió” thì giao hàng nhanh, thanh toán trực tiếp, thủ tục không phiền hà, dễ trốn thuế, nhưng chứa đựng nhiều rủi ro mà thiệt hại luôn thuộc về phía Việt Nam.

Có thể kể ra ví dụ điển hình về xuất khẩu gạo mà nước ta đã nhiều năm đứng nhất nhì thế giới. Do chất lượng gạo còn thấp, không đồng đều, nên khi xuất khẩu, giá cả thường thấp hơn 5 - 10% so với Thái Lan. Khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép, thì doanh nghiệp xuất khẩu phải mất thêm chi phí tiêu hủy hoặc chở về nước, trong khi Trung Quốc sẵn sàng mua mọi loại gạo mà không quan tâm vấn đề này.

Thực trạng đó có liên quan đến tư duy kinh doanh “bán rẻ, bán nhiều” của không ít doanh nghiệp Việt Nam, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, được Chính phủ giao chức năng điều phối thị trường xuất khẩu lại chưa xây dựng được chiến lược và hệ thống giải pháp để bảo đảm nâng cao hiệu quả của mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.

Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Thương mại Tôn Vinh cho biết, mỗi năm, công ty của ông xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1.500 tấn chè, chủ yếu bán cho đối tác lớn có uy tín, nằm sâu trong nội địa, chứ không xuất theo hình thức biên mậu.

Ông Ái lưu ý: “Đối với các DN mới quan hệ với đối tác Trung Quốc, tốt nhất là nên thông qua những DN trong nước có kinh nghiệm, đã làm việc lâu năm hoặc tìm những đối tượng tin cậy bảo lãnh ở vùng biên giới, chứ không nên liều lĩnh, đặt niềm tin vào khách hàng khi chưa đủ độ tín nhiệm để tránh bị lừa đảo”.

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp có uy tín nhận xét, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu về nông sản, thủy sản của nước ta, nhưng luôn rơi vào tình trạng bấp bênh, giá cả thấp, trong khi đáng ra ta phải nắm thế chủ động, vì thực tế Trung Quốc cần Việt Nam hơn.

Ông cho rằng, phải có những liên kết sản xuất, quan trọng là từ đầu ra của gạo để tổ chức cánh đồng mẫu lớn, có những tập đoàn, hợp tác xã thu mua hoặc bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống cùng máy móc - thiết bị hiện đại, thông qua hợp đồng với nông dân để sản xuất ra gạo chất lượng tốt, giá cả cao. Nếu cứ để nông dân tự phát, thương lái đi mua gom, trộn lẫn gạo với nhau thì sẽ không bao giờ có được thương hiệu.

Cũng cần lưu ý, tình trạng mua “hàng độc” ở những địa phương hẻo lánh là phương thức hoạt động khá phổ biến của nhiều thương lái Trung Quốc khi tiếp cận nông dân Việt Nam. Câu chuyện một thời ở Bình Phước có thương lái Trung Quốc thu mua lá điều non với giá bằng, thậm chí cao hơn giá hạt điều thô; thu mua đỉa giá cao ở Nghệ An năm 2012 và tại Hà Nội năm 2013... là những ví dụ điển hình. Người nông dân do lợi trước mắt, nên rất dễ sập bẫy.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan