Bài 4: Lạc lối, dối lừa, mặt trái của ngành ngân hàng
Không tôn trọng pháp luật, ngân hàng gạt khách hàng
Bước chân vào một trụ sở ngân hàng bề thế, gặp những cán bộ ngân hàng thanh lịch, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm, không chút do dự trao gửi tiền bạc, tài sản cho ngân hàng. Giao kết hợp đồng với đối tác, có sự bảo đảm là cam kết bảo lãnh của ngân hàng, doanh nghiệp cảm thấy quý như nhận được tài sản bảo đảm bằng tiền mặt. Để có được điều này, bao năm qua, ngành ngân hàng đã phải bỏ rất nhiều tiền của cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh.
Là một doanh nghiệp đại chúng, cam kết của ngân hàng nhiều khi có giá trị sống còn với doanh nghiệp. Vậy mà không ít trường hợp, khách hàng doanh nghiệp đã mất vốn vì trót tin vào cam kết bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, để trao tiền bạc, tài sản cho đối tác. Đến khi yêu cầu thanh toán bảo lãnh, muôn vàn lý do từ chối được ngân hàng đưa ra, nào là người ký không đúng thẩm quyền, nào là phải chứng minh được sai phạm của bên được bảo lãnh… Thậm chí, có trường hợp ngân hàng đưa ra điều kiện thanh toán bảo lãnh trên trời, là chỉ thanh toán khi bên được bảo lãnh không có bất kỳ vi phạm nghĩa vụ nào trong hợp đồng giao dịch được bảo lãnh. Những vụ việc tranh chấp về nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán xảy ra tại Agribank, Seabank… đã khiến khách hàng suy giảm đáng kể niềm tin vào cam kết của ngân hàng. Khách hàng hoàn toàn có quyền cho rằng, một khi ngân hàng không tôn trọng pháp luật, rũ bỏ trách nhiệm với nhiều lý do trong một nghiệp vụ như vậy, thì rất có thể sẽ hành xử tương tự với nghiệp vụ khác.
Hãy hình dung cảnh khách hàng gửi tiền tiết kiệm phải thận trọng xem xét cô giao dịch viên kia có đúng là nhân viên ngân hàng không, có giấy ủy quyền của ngân hàng cho các tác nghiệp, rồi doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với ngân hàng trong các nghiệp vụ tín dụng, nhất là bảo lãnh, phải đầu tư thời gian nghiên cứu hệ thống ma trận công nghệ thẩm quyền cấp tín dụng của ngân hàng, để tự mình xác định giám đốc chi nhánh này có được quyền ký tá giao dịch với mình hay không?
Hủy cam kết, ngân hàng lừa ngân hàng
Tính nhạy cảm trong hoạt động của ngành ngân hàng một phần quan trọng dựa trên sự thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng. Rủi ro xảy ra cho ngân hàng này có thể liên lụy đến các ngân hàng khác, thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đó là do hàng loạt mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nghiệp vụ hàng ngày của ngành ngân hàng, từ việc phát hành, chấp nhận L/C, chuyển khoản, xác nhận phong tỏa giấy tờ có giá, hợp tác cho vay, hoạt động nguồn vốn… Trong thời kỳ thịnh vượng, các mối quan hệ giữa các ngân hàng được vun đắp và luôn nâng tầm tin cậy, khiến cho nhiều giao dịch có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được diễn ra trơn tru, với những hình thức giao dịch rất đơn giản.
Vậy nhưng thời gian qua, hiện tượng lợi dụng sự tin tưởng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng bạn đã phát sinh. Vụ việc xảy ra tại Chi nhánh VDB Đắc Lắk - Đắc Nông có thể coi là một trường hợp điển hình. Với động cơ chiếm đoạt tiền của ngân hàng khác, Giám đốc chi nhánh VDB Đắk Lắk - Đắk Nông đã có hành vi xác nhận hợp đồng tiền gửi giả tạo để khách nợ sử dụng vay vốn các ngân hàng khác, bù đắp cho khoản tiền vay thất thoát tại ngân hàng này. Tương tự là vụ việc đã thành vụ án lớn tại một ngân hàng thương mại nhà nước khác. Nhiều ngân hàng đối tác đã vì sự tin tưởng vào thương hiệu, uy tín nên tiến hành các giao dịch gửi vốn với ngân hàng này thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian. Để rồi sau đó, ngân hàng nhận vốn mặc dù đã hưởng lợi từ nguồn vốn nhận được, nhưng thoái thác toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mất tiền gửi do cán bộ chính ngân hàng này phạm pháp, chiếm đoạt. Tệ hơn là việc ngân hàng này còn đưa ra một loạt lý do, quan điểm lập luận để đổ trách nhiệm tự quản lý rủi ro tiền gửi lên khách hàng, phủ nhận nghĩa vụ ngân hàng.
Uy tín của ngân hàng phải mất nhiều thời gian mới xây dựng được, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị xói mòn nghiêm trọng.
Thiếu minh bạch, ngân hàng dối chính mình
Vài năm gần đây, nền kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, nhưng số liệu nợ xấu công khai của nhiều ngân hàng vẫn duy trì một cách tương đối ổn định, loanh quanh trên dưới 3% tổng dư nợ. Nhưng cũng qua mỗi năm, chỉ số nợ xấu của các ngân hàng mà các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu kinh tế nhìn nhận lại nhích lên thêm vài phần trăm.
Với đủ các thủ thuật, từ gia hạn nợ, phân loại nợ không đúng với thực trạng, phối hợp đảo nợ những khoản vay lớn mang tính đối phó hòng giấu đi trong chỉ số dư nợ những khoản đầu tư lớn mang tính chất tín dụng, chỉ số nợ xấu của ngân hàng đã trở nên đẹp hơn nhiều so với thực tế.
Từ sự thiếu minh bạch này, mà việc ngân hàng lỗ thật hay lãi giả, mạnh hay yếu cũng trở thành một câu hỏi khó đối với chính cán bộ, nhân viên và cổ đông của ngân hàng. Một khi thực trạng “sức khỏe” tài chính của ngân hàng không được công khai, minh bạch, những “căn bệnh” của ngân hàng không được chẩn đoán đúng thì khó mà đưa ra được phương pháp xử lý hữu hiệu. Điều này có khác nào, ngân hàng đang lừa dối chính bản thân mình.
Pháp luật không rõ ràng, ngân hàng lạc niềm tin
Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được ban hành đánh dấu một bước tiến mới trong luật hóa các hoạt động của ngành ngân hàng và được các ngân hàng hân hoan đón nhận. Nhưng đến thời điểm này, một số bất cập trong việc thực thi Luật đã lộ rõ, thậm chí để lại không ít hậu quả.
Có những điều tưởng như bị Luật cấm, hóa ra lại có thể thoải mái vi phạm. Chẳng hạn, tại Điều 55 của Luật có quy định về việc không được sở hữu vượt quá tỷ lệ 5% vốn điều lệ ngân hàng đối với cổ đông cá nhân, 20% vốn điều lệ đối với cổ đông tổ chức. Khi thông tin công khai trên báo chí mới rõ, rất nhiều cổ đông của các ngân hàng sở hữu vượt trần hạn mức này. Vậy mà các trường hợp vượt trần lại không bị xử phạt bởi quy định chuyển tiếp tại Điều 161 của Luật đã giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, nhưng đến nay, quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp với trường hợp này vẫn chưa rõ ràng. Một quy định cấm rất cụ thể, nhưng ngân hàng vẫn được làm ngược lại.
Nhưng có một thực tế trái chiều, có những vấn đề mà ngân hàng tưởng được thực hiện do không có điều cấm, hóa ra lại thành sai phạm. Trước đây, các ngân hàng có thể tiến hành mọi nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng, với giấy phép được cấp khi thành lập là “hoạt động ngân hàng”. Vậy nhưng, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, mỗi nghiệp vụ đều cần một nội dung cấp phép, chứ không chỉ phải quy định chung “hoạt động ngân hàng” cho mọi nghiệp vụ nữa.
Rất nhiều nhân sự ngành ngân hàng đã không hiểu được vấn đề này, vì hơn chục năm qua họ đều triển khai các nghiệp vụ mà lại không có quy định cụ thể nào ngăn cấm. Nay, hóa ra để hợp pháp, thì các nghiệp vụ đang triển khai phải dừng lại, chờ cấp phép mới. Thực tiễn rất vô lý nảy sinh, đó là những ngân hàng non tuổi đời, mới cấp phép nghiễm nhiên có đủ năng lực pháp lý cho mọi nghiệp vụ, vì giấy phép được cấp theo chuẩn mới có ghi sẵn rất nhiều nghiệp vụ ngân hàng. Trong khi các ngân hàng có bề dầy hoạt động, có thương hiệu, nay bỗng dưng trở thành phạm pháp, nếu chưa xin được nội dung cấp phép mới cho những nghiệp vụ vốn dĩ mình đã triển khai suốt hơn chục năm qua.
Hậu quả pháp lý lớn sẽ ập đến bất cứ lúc nào với nhân sự ngân hàng, nếu như trót triển khai một nghiệp vụ quen thuộc nào đó, do tưởng rằng không bị cấm mà lại phát sinh việc thất thoát vốn. Chỉ mới xét dưới góc độ một đạo luật căn bản về ngân hàng, cũng có thể thấy, phần nào sự lo ngại về hành lang pháp lý không rõ ràng trong áp dụng luật sẽ làm lạc mất niềm tin của ngân hàng.
Kết
Nổi cộm lên từ những vụ việc “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” của ngành ngân hàng là sự thiếu vắng giá trị thực thi, minh bạch và tôn trọng pháp luật từ phía ngân hàng. Để lấy lại niềm tin của khách hàng, chỉ có một cách duy nhất, ngành ngân hàng phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật bằng hành động.