Những “cửa ô” mới
Với Đại lộ Võ Nguyên Giáp, quãng đường đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã được rút ngắn gần một nửa so với lộ trình qua cầu Thăng Long. Hành trình đi lên phía Bắc qua cầu Nhật Tân, xuống phía Nam qua cao tốc trên cao nối với tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, ra phía Đông theo Quốc lộ 5 mới, hay về phía Tây qua Đại lộ Thăng Long, Hà Nội giờ đây dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận.
Bức tranh hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp của Hà Nội hôm nay đã chứng minh tầm nhìn và bản lĩnh của Quốc hội khi thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, Hà Nội “ôm trọn” toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đã mở ra những cơ hội phát triển mới, sâu rộng và bền vững.
Ở phía Bắc, chuỗi đô thị Nhật Tân - Nội Bài được quy hoạch là khu trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản mới của Thủ đô Hà Nội.
Về phía Nam, các tuyến đường Tân Mai và Kim Đồng được mở rộng và nối liền; tuyến đường phía Đông khu trung tâm hành chính quận Hoàng Mai nối đường Vành đai 3 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thông xe cuối năm 2016.
Cùng với đó là cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đã hoàn thành, trong tương lai khớp nối với tuyến đường sắt đô thị số 3, các tuyến đường Kim Ngưu, Vĩnh Hưng, Tam Trinh được mở rộng nối thẳng đến đường Vành đai 3… là cửa ngõ mở ra chuỗi đô thị vệ tinh có chức năng dịch vụ chuyển tải hàng hóa cho khu vực phía Nam Thủ đô.
Phía Đông, theo Quốc lộ 5 mới, Hà Nội hướng ra Hải Phòng, Quảng Ninh với các đô thị vệ tinh và Khu công nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khối lượng lớn, gắn với hệ thống quốc lộ 2, đường xuyên Á và sân bay quốc tế Nội Bài đang từng bước hình thành.
Phía Tây với vùng địa hình bán sơn địa đang từng bước hình thành các đô thị vệ tinh Xuân Mai - Hòa Lạc - Miếu Môn và các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghệ cao, nhiều công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật lớn.
Sẵn sàng cất cánh
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong bối cảnh có sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trong khu vực và thế giới, Hà Nội đang không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư và gắn bó với Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thành phố.
“Hà Nội đang hướng đến phát triển thành “thành phố thông minh” với việc cải thiện hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào hệ thống chính quyền điện tử trong quản lý; bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển các dịch vụ công và phúc lợi xã hội. Bộ máy hành chính của Thủ đô phải được xây dựng theo hướng lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, phấn đấu để Hà Nội trở thành điểm đến lâu dài của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Trong thời gian này, Hà Nội cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho khoảng 13.300 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 101.400 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố lên 220.718 doanh nghiệp.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, luỹ kế đến 31/5/2017, Hà Nội thu hút được gần 26,09 tỷ USD với 4.085 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 12,5 tỷ USD.
“Hà Nội đã thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở sáp nhập các ban quản lý dự án hiện có của các sở, ngành, địa phương, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Sở KH&ĐT cũng tham mưu với UBND Thành phố triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài; xúc tiến đầu tư vào các dự án lớn, đối tác trọng điểm để nhà đầu tư ngày một hài lòng hơn khi đến với Hà Nội”, ông Tứ chia sẻ.