Nhận diện khó khăn để vững bước

Nhận diện khó khăn để vững bước

(ĐTCK) Đánh giá, nhận định khách quan nền kinh tế, cũng như lĩnh vực hoạt động của DN để có kế hoạch kinh doanh phù hợp trong năm 2013 là chia sẻ của lãnh đạo nhiều DN.

“Lợi nhuận sẽ tăng mạnh từ sản xuất, xuất khẩu gỗ”

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF)

Chúng tôi dự cảm, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa hết khó khăn. Vì thế, trong năm này, TTF sẽ không có những hoạt động đầu tư đáng kể. Công ty sẽ tìm cách bổ sung vốn điều lệ, cân đối lại tài chính để đưa cơ cấu tài chính về mức an toàn. Hy vọng, từ quý III trở đi, với yếu tố mùa vụ và chính sách hỗ trợ DN bắt đầu phát huy tác dụng, kinh tế Việt Nam và hoạt động của TTF sẽ khởi sắc.

Công ty chưa đặt con số kinh doanh cụ thể, nhưng dự kiến, lợi nhuận trong năm 2013 có thể gấp đôi năm 2012, chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ. Nguồn thu từ khai thác rừng chưa tính đến trong năm 2013, vì chúng tôi chưa chắc chắn.

Theo kế hoạch, từ năm 2014, mảng khai thác rừng sẽ mang lại cho TTF nguồn thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Không như năm ngoái, khó khăn buộc TTF phải tinh gọn bộ máy, cắt giảm khoảng 30% lao động gián tiếp, năm nay, Công ty sẽ giữ nguyên nhân sự. Bên cạnh đó, dự kiến Công ty sẽ giới thiệu thêm một số cổ đông chiến lược vào HĐQT.
 

 “DIG sẽ ưu tiên vào phân khúc sản phẩm hạng trung”

Ông Trần Minh Phú, Tổng giám đốc Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG)

Thị trường bất động sản vẫn rất khó khăn. DIG sẽ tạm dừng triển khai một số dự án, ưu tiên nguồn vốn cho những dự án sắp hoàn thành và dự án có khả năng phát huy hiệu quả sớm. DIG sẽ tiếp tục phân nhóm dự án, xác định rõ vốn phải giải ngân để bảo toàn vốn; tập trung đầu tư Khu căn hộ Thuỷ Tiên (Vũng Tàu). Dự án Khu dân cư Nam Vĩnh Yên, Khu biệt thự Đồi An Sơn (Đà Lạt) đã hoàn tất cơ sở hạ tầng và chuyển nhượng cho nhà đầu tư, song chưa hạch toán kịp trong quý IV/2012, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu trong năm 2013.

Theo định hướng của Bộ Xây dựng, DIG sẽ ưu tiên quy hoạch, đầu tư vào phân khúc sản phẩm ở hạng trung cấp, tạo được sản phẩm với giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương án tái cấu trúc toàn Tổng công ty, giảm dần việc đầu tư và thoái vốn một phần tại các công ty liên kết, với mức thoái vốn dự kiến 100 tỷ đồng.

Nhận diện khó khăn để vững bước  ảnh 3

Càng khó khăn, các DN càng quyết tâm phấn đấu cho một năm mới “bội thu”

Nhận diện khó khăn để vững bước  ảnh 4

“Năm 2013, Công ty sẽ tập trung đầu tư theo chiều sâu”

Ông Trần Huy Loãn, Phó giám đốc CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD)

Năm 2012, kinh tế trong nước khó khăn, sức tiêu dùng giảm, cạnh tranh cao. Tuy nhiên, Công ty tập trung cho công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên sản lượng tiêu thụ bia tăng mạnh, đặc biệt là sản phẩm bia hơi Hải Dương. Kết quả, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế gần 40 tỷ đồng, vượt 100% kế hoạch. Năm 2013 sẽ là một năm rất khó khăn cho HAD: chi phí giá vốn có xu hướng tăng, thuế suất tiêu thụ đặc biệt tăng từ 45% lên 50%... Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của HAD khá thận trọng: doanh thu 320 tỷ đồng, lợi nhuận 20 - 22 tỷ đồng.

Thời gian qua, Công ty tập trung đầu tư tiết kiệm năng lượng như: tiết kiệm điện tại hệ thống máy lạnh, thu hồi hơi tại hệ thống nấu bia, tái xử lý nước thải thành nước vệ sinh công nghiệp… Năm nay, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng thị trường và phát triển thương hiệu, Công ty sẽ tập trung đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới, hiện đại hóa một số trang thiết bị sản xuất.

 

 “BIC theo đuổi chiến lược tăng trưởng an toàn, bền vững”

Ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC)

Đã có những thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh của các DN bảo hiểm. Đây là dấu hiệu của một cuộc “tự tái cơ cấu” để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Năm 2013 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn đối với thị trường bảo hiểm, tăng trưởng ước tính 10 - 12%. Trong bối cảnh đó, BIC vẫn theo đuổi chiến lược tăng trưởng an toàn và bền vững: doanh thu tăng 12%, lợi nhuận tăng tối thiểu 10%, cổ tức tối thiểu 10%.

BIC sẽ cơ cấu các danh mục sản phẩm bảo hiểm, tăng cường công tác quản trị rủi ro, giảm tỷ lệ bồi thường, cải thiện công tác dịch vụ khách hàng, mở rộng phát triển thương hiệu… Đồng thời, Công ty cũng phát huy các thành quả đã đạt được trong phân khúc bán lẻ thông qua củng cố các kênh phân phối phi truyền thống; đa dạng sản phẩm, phù hợp với phân đoạn khách hàng cá nhân; đặc biệt là tận dụng và tối ưu hóa các lợi thế từ mối quan hệ với hệ thống BIDV. Bên cạnh đó, BIC hiện thực các mục tiêu chiến lược như: chốt cổ đông chiến lược nước ngoài, chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con, thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, định hạng tín nhiệm.

 

“IMP phấn đấu đạt doanh thu 850 - 900 tỷ đồng”

Ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP)

Năm 2012, IMP đạt 118 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 7,27% so với năm 2011 và vượt 3% kế hoạch. Năm 2013, chúng tôi nhận định, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, lương, các khoản bảo hiểm, xăng dầu, điện nước, vận chuyển… sẽ tăng. Đáng chú ý, các DN dược sẽ bị ảnh hưởng lớn từ chính sách quản lý Nhà nước về đấu thầu theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC.

Mục tiêu của IMP năm 2013 là đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả Nhà máy Penicillin tiêm; ứng dụng Hệ thống quản trị ERP-Imexpharm; đẩy mạnh hiệu quả các nhà máy còn lại, đặc biệt là Nhà máy Cefalosporin; cấu trúc lại thị trường và thị phần theo tỷ trọng OTC (thuốc không toa) chiếm 60%, ETC (thuốc ghi toa) chiếm 40%; quản lý dòng tiền, kiểm soát chặt chẽ định mức chi phí, hàng tồn kho, công nợ, biến động tỷ giá ngoại tệ.

IMP phấn đấu đạt doanh thu 850 - 900 tỷ đồng, lợi nhuận 105 -110 tỷ đồng và dự kiến đưa ra thị trường 10 - 15 sản phẩm mới, đầu tư mở rộng kênh phân phối tại Vũng Tàu và Cà Mau.