Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội, hiện đang tọa lạc trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội, hiện đang tọa lạc trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Nhận diện giá trị di sản Đông trấn Kinh thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà quản lý văn hóa đã thảo luận về lịch sử; kiến trúc; tượng thờ, thần chủ, di sản Hán-Nôm; lễ hội và tín ngưỡng thờ; về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã.

Ngày 2/10, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã.,

Tọa đàm nhằm làm rõ hơn lịch sử và giá trị nổi bật về di sản văn hóa đền Bạch Mã, công trình gắn với quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước của cha ông ta; đồng thời đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đền Bạch Mã.

Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan Trung ương, Hà Nội, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

Đền Bạch Mã thuộc Đông trấn, là một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long nằm trong khu phố cổ Hà Nội.

Đền Bạch Mã có từ thời Bắc thuộc. Sau khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010, đền được xây dựng lại và được gọi là đền Bạch Mã.

Trong Tứ trấn Thăng Long, đền Bạch Mã có niên đại sớm nhất. Đến nay, vẫn chưa biết được diện mạo kiến trúc đền Bạch Mã thời Lý, mà dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay mang đặc trưng kiến trúc triều Nguyễn thế kỷ 19, gồm Phương Môn, Phương Đình, Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung.

Trong đền, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý gồm 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, nhiều đồ thờ tự quý khác và nhiều thư tịch có liên quan được lưu giữ tại Viện Hán-Nôm.

Thần chủ thờ ở đền Bạch Mã từ thời Lý là thần Long Đỗ-Đô Thành Hoàng của Kinh đô Thăng Long và của cả nước.

Tượng thần chủ Long Đỗ bằng đồng hiện đặt tại khám thờ ở Hậu Cung, có từ thời Nhà Lê, thế kỷ 17.

Gắn liền với di tích đền Bạch Mã, trước đây có lễ hội Nghênh Xuân, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian đặc sắc, có nguồn gốc từ thời Lý, được tổ chức vào mùa xuân hàng năm, mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, đồng hành cùng tín ngưỡng của đền Bạch Mã.

Đây là một di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị của đền Bạch Mã nhưng do các nguyên nhân khác nhau, lễ hội Nghênh Xuân không được duy trì nữa.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, lịch sử, các nhà quản lý văn hóa đã làm rõ hơn 5 cụm vấn đề liên quan đến di tích đền Bạch Mã như lịch sử; kiến trúc; tượng thờ, thần chủ, di sản Hán-Nôm; lễ hội và tín ngưỡng thờ; về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã.

Đặc biệt, tọa đàm cũng đề cập đến việc xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đền Bạch Mã.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất những giải pháp tiếp theo trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích để phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và trở thành điểm đến du lịch đặc thù đối với du khách trong và ngoài nước.

Bạch Mã là ngôi đền cổ, một di sản đặc sắc có lịch sử hình thành và phát triển gắn với Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).
Bạch Mã là ngôi đền cổ, một di sản đặc sắc có lịch sử hình thành và phát triển gắn với Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đền Bạch Mã đã xếp hạng di tích quốc gia, được Nhà nước, cũng như thành phố Hà Nội quan tâm tôn tạo và bảo tồn.

Bên cạnh việc nhận diện về lịch sử đền Bạch Mã, mối liên hệ giữa đền Bạch Mã với quá trình xây dựng và bảo vệ kinh thành Thăng Long, giá trị nổi bật của lễ hội đền Bạch Mã cùng di sản Hán Nôm thì các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã, cũng như tổ chức hoạt động văn hóa du lịch gắn với khu phố cổ Hà Nội.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã là hai mặt có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Bảo tồn di tích đền Bạch Mã phải gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, của quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là với khu Phố cổ Hà Nội.

Với những lợi thế của mình, di tích đền Bạch Mã cần trở thành một điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế.

Tọa đàm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Tin bài liên quan