Đà phục hồi kinh tế trong nước đang có chiều hướng tích cực sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

Đà phục hồi kinh tế trong nước đang có chiều hướng tích cực sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

Nhận diện động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2024 được nhận định sẽ có xu hướng đi lên, với bệ đỡ là triển vọng của kinh tế vĩ mô cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều điểm sáng

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, động lực lớn nhất cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 là câu chuyện Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất trong tháng 9 tới và đà phục hồi kinh tế trong nước có chiều hướng tích cực.

Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, kinh tế thế giới có điểm sáng với lạm phát tại Trung Quốc duy trì ở mức thấp có thể hỗ trợ kinh tế toàn cầu và lạm phát toàn cầu hạ nhiệt nhanh hơn, đặc biệt lạm phát tại Mỹ khi Fed được dự báo sẽ có 2 đợt giảm lãi suất trong 2 quý cuối năm 2024.

Trong khi đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam có triển vọng phát triển khả quan, GDP năm 2024 có thể đạt mức tăng 6,5 - 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát và lãi suất ổn định sẽ hỗ trợ việc mở rộng sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất gần đây nhích tăng, nhưng vẫn ở mức thấp và được dự báo không thay đổi nhiều cho đến cuối năm 2024 là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, tỷ giá đã hạ nhiệt, khối nhà đầu tư nước ngoài có thể sớm dừng lại việc bán ròng.

Hai yếu tố này được ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, nhà điều hành quỹ của VinaCapital nhận xét là “yếu tố quan trọng quyết định xu hướng thị trường chứng khoán”.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, thị trường trông đợi những yếu tố mới thúc đẩy thị trường phát triển bền vững như câu chuyện nâng hạng thị trường và vận hành hệ thống KRX.

Trước đó, từ đầu năm 2024 đến nay, trong bối cảnh tỷ giá tăng và xu hướng tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, khối ngoại liên tục có động thái rút vốn. Theo thống kê của AzFin Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng hơn 60.00 tỷ đồng.

“Áp lực rút ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm nay và có thể họ sớm quay trở lại mua ròng”, ông Nguyễn Thế Minh dự báo.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, thị trường trông đợi những yếu tố mới thúc đẩy thị trường phát triển bền vững như câu chuyện nâng hạng thị trường và vận hành hệ thống KRX.

Trong công bố mới nhất hồi cuối tháng 6/2024, MSCI chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 bởi FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9/2024, được xem xét nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và chính thức được nâng hạng vào tháng 9/2025 như kỳ vọng của ông Nguyễn Thế Minh.

“Quyết định nâng hạng thị trường sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, vị giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

“Việt Nam được nâng hạng sẽ là một cú huých lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, khi có thể đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch AzFin Việt Nam nói.

Về hệ thống KRX, gần đây không có thông tin mới, nhưng trong tháng 4/2024, Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán đã tiến hành kiểm thử hệ thống với kết quả nhìn chung là khả quan, kỳ vọng hệ thống sẽ chính thức đi vào vận hành trong tương lai không xa, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm tài chính mới và góp phần đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường.

Tại cuộc họp sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, trong nửa cuối năm nay sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán, đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động của Ủy ban, thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Lựa chọn nhóm ngành

“Dự báo, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ, nhà đầu tư ngoại sau thời gian rút vốn khỏi thị trường hồi đầu năm có thể quay lại mua ròng, tìm đến thị trường Việt Nam nơi có định giá hấp dẫn và mức tăng chưa nhiều như các thị trường khác như Mỹ, châu Âu”, ông Nguyễn Thế Minh nói.

Trong nửa đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng giá mạnh nên có nguy cơ điều chỉnh trong những tháng tới. Dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa lớn, định giá hấp dẫn hơn như ngân hàng, chứng khoán. Triển vọng tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm là yếu tố thu hút dòng tiền vào nhóm cổ phiếu “vua”. Còn nhóm cổ phiếu chứng khoán có yếu tố thúc đẩy từ câu chuyện nâng hạng thị trường, kết quả kinh doanh khả quan của khối công ty chứng khoán.

Ngoài ra, theo ông Minh, nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng dài hạn như dịch vụ dầu khí, công nghệ, vận tải, bán lẻ. Đối với nhóm xuất khẩu, dù có triển vọng khả quan về đơn hàng nhưng thời gian gần đây, đơn hàng tại một số doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, nên cần theo dõi thêm.

Về triển vọng các nhóm ngành, ông Đặng Trần Phục đánh giá, giai đoạn khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp về cơ bản đã và đang đi qua, sức khỏe tài chính nhiều doanh nghiệp được cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành, từ đó giúp sự phục hồi, thậm chí tăng trưởng kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trở nên mạnh mẽ trong năm 2024 và 2025. Theo đó, thị trường chứng khoán cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ nghiêng về kịch bản tích cực. Mặc dù vậy, đa phần các nhóm cổ phiếu phi tài chính đang được định giá cao, đây sẽ là rào cản đối với sự đi lên của VN-Index.

“Thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024 nhiều khả năng thiên về hướng phân hóa giữa các nhóm ngành, giữa các cổ phiếu và thị trường nằm trong xu hướng vừa tăng vừa tích lũy (sideway up)”, Chủ tịch AzFin Việt Nam nói.

Dù nhận định xu hướng là khả quan, nhưng ông Nguyễn Thế Minh lưu ý, thị trường có khả năng xuất hiện tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”, nhà đầu tư cần chọn lựa kỹ cổ phiếu để mang lại hiệu quả đầu tư.

“Để đầu tư có lợi nhuận tốt, nhà đầu tư nên chia thành hai nhóm phân bổ tỷ trọng đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Với nhóm ngắn hạn, khi kinh tế phục hồi nên dành tỷ trọng cho cổ phiếu có sự hồi phục vượt trội. Với nhóm dài hạn, phân bổ phần lớn tỷ trọng cho cổ phiếu đang trong chu kỳ tăng trưởng”, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị.

Tin bài liên quan