Nhận diện DN trả cổ tức sớm

Nhận diện DN trả cổ tức sớm

(ĐTCK) Hàng chục DN niêm yết đã công bố tạm ứng cổ tức đợt I/2013 bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ cao nhất 20%.

Động thái này không chỉ chứng minh nhiều DN đứng vững qua khó khăn và có tiềm năng tăng trưởng tốt, mà còn góp phần giữ cơ cấu cổ đông ổn định, yếu tố rất quan trọng với DN ở thời điểm nhạy cảm này.

Nhận diện DN trả cổ tức sớm ảnh 1

Có thực mới vực được… cổ tức

Một loạt DN niêm yết đã công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2013. Cụ thể, CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) tạm ứng cổ tức 20%; CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC) tạm ứng cổ tức 15%; Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT) tạm ứng cổ tức 10%; CTCP Vật tư xăng dầu (COM) tạm ứng 7%; CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC) tạm ứng cổ tức 5%. Điểm chung của những DN này là đều có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm và tăng trưởng ổn định. Chẳng hạn, tại DHG, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 18,13% so với cùng kỳ; lợi nhuận  trước thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ.

Cuộc gặp gỡ của Ban lãnh đạo FPT với đại diện 45 tổ chức đầu tư chiều 2/8 tại TP. HCM, sau khi tập đoàn này công bố thông tin tạm ứng cổ tức 15% cho các cổ đông, đã diễn ra khá vui vẻ. Bởi với tỷ lệ tạm ứng cổ tức đợt 1 như vậy, nhiều cổ đông cho rằng, khả năng, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2013 không dừng ở mức 20% như ĐHCĐ thường niên đã thông qua. Tại cuộc gặp gỡ tổ chức đầu tư, FPT tập trung giới thiệu hoạt động và chiến lược của FPT Software và FPT IS khiến giới đầu tư ngầm hiểu thông điệp Tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển hai mảng hoạt động chủ đạo, tạo ra thương hiệu và sức tăng trưởng mạnh cho FPT gần 10 năm về trước. Với mảng kinh doanh phần mềm, 6 tháng đầu năm, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng đến 52%.

Việc các DN tạm ứng cổ tức sớm bằng tiền mặt còn cho thấy, các con số lợi nhuận và kết quả 6 tháng đầu năm được công bố  một cách đáng tin cậy. DN tạm ứng được cổ tức sớm là DN có thực lực về dòng tiền, chứ không phải tình trạng nhiều DN niêm yết hạch toán con số lợi nhuận đẹp trên sổ sách kế toán 6 tháng, nhưng cuối năm lãi chuyển thành lỗ.

 

Khích lệ tâm lý cổ đông

Khỏi phải nói, hào hứng nhất với việc chia cổ tức sớm là các cổ đông nhỏ. Đối với nhiều cổ đông nhỏ, trong đó có người lao động tại nhiều DN, cổ phiếu là một phần tài sản họ để dành như một khoản tiết kiệm. Được nhận cổ tức bằng tiền mặt, nếu cổ phiếu niêm yết trên sàn, vào ngày không hưởng quyền giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh kỹ thuật, song nếu DN có tiềm năng tăng trưởng tốt thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng trở lại. Cổ đông có thêm một khoản tiền sẽ được khích lệ rất lớn về mặt tâm lý. Còn nhớ tại nhiều ĐHCĐ của các DN lớn như FPT, Techcombank, Vinaconex, VIB, cổ đông nhỏ lẻ từng phản ứng rất quyết liệt về việc DN không chia cổ tức hoặc chia một phần rất nhỏ so với lợi nhuận có được để sử dụng vốn tái đầu tư.

Trên thực tế, không chỉ cổ đông nhỏ lẻ hào hứng với việc chia cổ tức bằng tiền mặt thời điểm này, ngay các cổ đông lớn cũng rất quan tâm đến việc DN thực hiện đúng cam kết về cổ tức được thông qua tại các kỳ đại hội. Bởi điều đó thể hiện sự tăng trưởng vững chắc của DN và như vậy, cổ đông lớn mới có chủ trương nắm giữ cổ phiếu dài hạn.

Tại DHG, Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang sở hữu 43,31% cổ phần, nhưng trao đổi với ĐTCK trước đề xuất của các chuyên gia kinh tế về việc thoái bớt phần vốn Nhà nước tại DN này do DHG đang có thị giá cao, đại diện SCIC cho biết, họ không có ý định bán cổ phần của những DN như vậy. Tương tự, tại PVG, PVN xác định công nghiệp khí là một trong những ngành chủ lực, đồng thời DN hoạt động rất hiệu quả. Vì thế, dù tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn tại DN này hiện chiếm tới trên 95%, nhưng PVN không có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu.

Ngoài việc cổ phiếu của DN trả cổ tức cao giữ được thị giá và được NĐT ưa chuộng, cam kết gắn bó của các NĐT lớn với DN là yếu tố rất quan trọng đối với ban lãnh đạo DN ở thời điểm nhạy cảm này. Hai mùa ĐHCĐ vừa qua, thị trường chứng kiến rất nhiều câu chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa ban lãnh đạo với các nhóm cổ đông lớn, khiến các phương án kinh doanh ban lãnh đạo không được thông qua, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất-kinh doanh của DN.