Nhà đầu tư đang trở lại thị trường ven biển tìm kiếm cơ hội

Nhà đầu tư đang trở lại thị trường ven biển tìm kiếm cơ hội

Nhận diện “điểm nóng” đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường dù chưa cao, nhưng dòng tiền bắt đầu chảy vào bất động sản. Giới đầu tư đang tìm kiếm những khu vực nhiều tiềm năng để bỏ vốn.

Nhiều địa phương ven biển được gọi tên

Chưa thực sự có nhiều giao dịch, song ghi nhận thực tế cho thấy, dòng tiền đã quay trở lại thị trường địa ốc, tập trung vào các phân khúc, dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, hoàn thiện pháp lý và có giá trị khai thác, tích lũy tài sản. Theo phân tích của giới chuyên môn, đây là dấu hiệu cho thấy “đáy” thị trường đang dần lộ diện.

Sau thời gian dài “đứng hình”, bất động sản tại một số khu vực ven các đô thị lớn - nơi từng là những “điểm nóng” của thị trường - bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư săn hàng trở lại, đặc biệt là nơi đang có sự phát triển mạnh về hạ tầng và một trong những điểm nóng đầu tiên phải kể đến là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện khá nhiều nhóm nhà đầu tư tìm mua đất và nhiều khu đất có giá trị lớn đã được giao dịch, nhất là khu vực thuộc các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Ông Lê Sang, một môi giới chuyên nghiệp tại đây cho biết, dù không rầm rộ, nhưng so với thời điểm năm 2023 gần như “đóng băng” thì hiện tại, thị trường đã tích cực hơn nhiều.

Dù vậy, theo ông Sang, sự quan tâm của người mua hiện nay khác với giai đoạn trước đây, đó là tập trung tìm kiếm những khu đất có pháp lý chuẩn chỉnh, quy hoạch bài bản, có tiềm năng khai thác trong tương lai và xác định mua để đầu tư dài hạn. Ngược lại, với những khu đất thiếu các yếu tố này, dù còn nhiều chủ đất bị “ngộp” rao bán với giá rẻ song vẫn không bán được.

Một khu vực khác cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là Khánh Hòa. Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong quý I/2024, địa phương này đã phát sinh khoảng 5.941 giao dịch bất động sản (bao gồm 221 giao dịch nhà chung cư, 1.193 nhà ở riêng lẻ và 4.537 nền đất) với tổng giá trị hơn 7.630 tỷ đồng, cao hơn đáng kể con số hơn 4.522 tỷ đồng trong quý IV/2023. Theo đại diện cơ quan này, lượng giao dịch bắt đầu tăng từ đầu năm 2024, khi các quy hoạch lớn của Khánh Hòa dần được công bố, cùng với đó là các chính sách kích cầu khi lãi suất vay mua nhà xuống thấp đã thúc đẩy nhà đầu tư quay trở lại nơi đây.

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho biết, thị trường bất động sản Khánh Hòa chuyển biến rõ nét từ đầu năm 2024 và đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch lớn gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2023 và 2 quy hoạch vừa được phê duyệt trong quý I/2024 là đồ án quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm.

“Có lẽ nhận diện được cơ hội từ câu chuyện quy hoạch nên nhiều nhà đầu tư đã nhập cuộc trở lại”, ông Hoàng nhận định.

Ngoài 2 cái tên kể trên, một số địa phương khác trước đây từng là điểm nóng về đầu tư bất động sản khác có lợi thế về kết nối hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao có thể kể tới là Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng… Chẳng hạn, tại thị trường Bình Thuận, khảo sát từ các đơn vị phân phối bất động sản tại đây cho thấy, gần đây cũng xuất hiện bóng dáng nhà đầu tư trở lại.

“Dù chưa tạo thành xu hướng, song Bình Thuận có thể là một thị trường xuất phát từ nhu cầu thật. Từ sau khi thông xe tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, thời gian di chuyển từ TP.HCM ra Phan Thiết và ngược lại giảm xuống còn 2 giờ đồng hồ, thay vì 4 giờ như trước kia, điều này thúc đẩy người dân TP.HCM tìm kiếm bất động sản Bình Thuận nhiều hơn, góp phần tạo sự sôi động cho thị trường này”, đại diện một đơn vị phân phối chia sẻ.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này

Cơ hội đầu tư đường dài

Có thể thấy, điểm chung trong nguyên tắc đầu tư bất động sản giai đoạn này là đầu tiên phải đảm bảo các yếu tố pháp lý và quy hoạch, sau đó mới đến giá cả. Các chuyên gia cho rằng, thị trường đang phục hồi dần nhưng có sự phân hóa rõ nét, những bất động sản đảm bảo quy hoạch, chuẩn chỉnh pháp lý… sẽ ngày càng có giá, còn ngược lại sẽ rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam, ngoại trừ nhà đầu tư đang gặp khó khăn tài chính, với người có nguồn vốn dư dả nhưng còn đang phân vân về thời điểm mua bất động sản thì có thể khẳng định, hiện là thời điểm phù hợp nhất.

“Từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2012, giá đất tại nhiều khu vực ở TP.HCM cũng như các đô thị khác không ngừng gia tăng. Còn hiện nay, dù thị trường vẫn đang đối mặt với khó khăn, nhưng giá chỉ giảm 10-20%, chứ khó có thể giảm sâu hơn. Bởi lẽ, trong bất cứ giai đoạn nào, bất động sản luôn có dòng tiền lớn chực chờ đón cơ hội”, ông Lộc phân tích, đồng thời cho rằng, vấn đề người mua nhà cần quan tâm lúc này là lựa chọn sản phẩm phù hợp quy hoạch, pháp lý rõ ràng, với sản phẩm dự án thì uy tín và năng lực của chủ đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings, trong mắt giới đầu tư, bất động sản luôn là kênh tích lũy tài sản được ưa chuộng, vấn đề còn lại chỉ là chọn thời điểm phù hợp. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quay lại thị trường địa ốc tìm kiếm sản phẩm. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…, giá bất động sản đã tăng quá cao nên cơ hội không còn nhiều. Do vậy, dòng tiền đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển đến các khu vực giá còn mềm nhưng có tiềm năng phát triển.

“Yếu tố được giới đầu tư quan tâm nhất lúc này là câu chuyện quy hoạch và ‘điểm rơi’ của hệ thống hạ tầng kết nối”, ông Sang nhấn mạnh và cho rằng, mặc dù thời gian qua kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vẫn được ưu tiên quyết liệt, đặc biệt tại khu vực phía Nam, trong đó có thể kể đến Đồng Nai, đây được xem là khu vực “sân sau” của TP.HCM trong xu thế giãn dân nên nhu cầu nhà ở rất lớn, đồng thời còn là nơi hình thành của sân bay Quốc tế Long Thành trong tương lai. Tuyến đường Vành đai 3 nối 4 tỉnh TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai cũng đang được tăng tốc đầu tư.

Các khu vực như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… đang được đầu tư nhiều công trình hạ tầng kết nối liên vùng và có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là bất động sản khai thác du lịch. Tương tự, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc; Biên Hòa - Vũng Tàu… đều có mốc thời điểm hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026 và được dự báo trở thành động lực phát triển cho thị trường bất động sản nơi những tuyến cao tốc này đi qua.

Tin bài liên quan