Những nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP được thông qua là dệt may, thủy sản, gỗ, logistic, bất động sản, nông nghiệp...
Đối với ngành gỗ, hầu hết các quốc gia trong CPTPP đều cam kết loại bỏ thuế quan đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, tạo kỳ vọng sẽ có làn sóng tăng trưởng mới đối với các doanh nghiệp ngành này.
Hiện nay, với mặt hàng gỗ, Canada đang đánh thuế 3,1%, Mexico 9,8%, Peru 6%... Tính đến 15/10/2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD và liên tục tăng trưởng qua các thời kỳ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang nhóm các nước CPTPP tương đối thấp, ước đạt 1,3 tỷ USD năm 2017, chiếm khoảng 8,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017.
Trong số các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, rau quả được dự báo gặp nhiều thuận lợi nhất bởi các nước trong CPTPP đều cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10/2018, xuất khẩu rau quả đem về 3,1 tỷ USD cho Việt Nam và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn khi CPTPP có hiệu lực.
Với gạo, theo báo cáo phân tích của LienVietPostBank, mặt hàng này không hưởng lợi nhiều từ CPTPP do là lương thực chủ chốt và có tính nhạy cảm cao (không được hưởng ưu đãi tại Nhật Bản, Australia, Malaysia và Peru...).
tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số ngành hàng của Việt nam
sang các nước thành viên cptpp 2017.
Trong khi đó, ngành thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI (thị phần chiếm trên 60%) với nguồn nguyên liệu đầu vào (ngô, đậu tương…) chủ yếu được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Các ưu đãi về thuế nhập khẩu trong CPTPP sẽ tiếp tục củng cố vị thế của các doanh nghiệp sản xuất khối FDI và ngày càng ảnh hưởng kém tích cực đến các doanh nghiệp nội địa.
Với ngành thủy sản, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hàng năm, các nước trong CPTPP nhập khẩu khoảng gần 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch.
Trong đó, riêng thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo đánh giá của VDSC, logistic cũng là ngành có tốc độ phát triển tích cực khi CPTPP có hiệu lực. Hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8-9% và nhu cầu có thể vượt cung trong năm nay tại các cảng ở khu vực phía Bắc.
Cùng với đó, ngành bất động sản được dự đoán sẽ nhận cú huých lớn từ làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất; resort, sân golf, biệt thự, nhà phố... phục vụ nhu cầu lưu trú, giải trí hay cho thuê...
Riêng các khu công nghiệp, VDSC cho rằng, động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ 2 xu hướng là dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.
Ngược lại, nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống sẽ chịu tác động tiêu cực từ CPTPP.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống năm 2017 của Việt Nam đạt khoảng 3,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang nhóm nước CPTPP chỉ đạt 370 triệu USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này ghi nhận 2,2 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ các nước CPTPP chiếm 45% (khoảng 1,1 tỷ USD).
Chính sách thuế quan đối với các sản phẩm trong ngành về cơ bản chia làm 2 xu hướng.
Thứ nhất, bị áp dụng hạn ngạch thuế quan với các sản phẩm thế mạnh của mỗi nước như các sản phẩm bơ, trứng, sữa (Australia, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico); thịt lợn, thịt gà (Nhật Bản, Canada).
Thứ hai, cam kết giảm thuế trong thời gian lâu hơn so với các ngành nghề khác như sản phẩm thực phẩm, thủy sản đông lạnh (Mexico).
Bên cạnh đó, quy định phi thuế quan như các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật cũng ngày một cao, gâp áp lực lên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tham gia CPTPP, Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2035, CPTPP có thể giúp GDP, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32%; 4,04% và 3,8%.
Với CPTTP, Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nền kinh tế nâng cao tính độc lập, tự chủ, cũng như cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực.
Các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.