Triển vọng và thách thức
Chia sẻ tại hội thảo về thị trường bảo hiểm diễn ra mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, lãi suất tiền gửi được dự báo quay trở lại mức trung bình trước dịch vào đầu năm 2023 sẽ tác động đến hoạt động đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo tổng hợp của FPTS từ báo cáo tài chính của các công ty phi nhân thọ niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2022, tiền gửi chiếm tỷ lệ 74% trong tổng vốn đầu tư; trái phiếu chiếm 12%; góp vốn vào doanh nghiệp 0,5%; chứng khoán 0,2%; kinh doanh bất động sản 0,1%; ủy thác đầu tư 0,5%…
Chọn phân tích 2 doanh nghiệp là Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã MIG) và Bảo hiểm Bảo Việt (mã BVH - là doanh nghiệp hoạt động trong cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ), FPTS cho biết, với MIC, tuy hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chưa có nhiều cải thiện, nhưng hoạt động đầu tư khá hiệu quả, duy trì ở mức trung bình ngành.
Còn tại BVH, tuy thị phần giảm đáng kể (dẫu đã phục hồi tăng trưởng), nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm có dấu hiệu cải thiện. Về thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ giảm từ mức 19% vào năm 2017 xuống mức 14% tính đến hết quý II/2022, thị phần mảng bảo hiểm nhân thọ cũng giảm từ 26% xuống 19%.
Một số thay đổi trong quy định pháp luật bảo hiểm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành này chuyển biến rõ nét hơn từ năm 2023. Chẳng hạn, quy định mới không hạn chế tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các công ty bảo hiểm tiếp cận vốn ngoại dễ dàng hơn, nhất là các công ty còn nhiều room ngoại.
Những thay đổi theo hướng cởi mở hơn tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua từ tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 (thay đổi vai trò của cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các biện pháp can thiệp; quy định các lĩnh vực không được phép đầu tư…) được kỳ vọng sẽ tác động tích cực trong dài hạn đến các doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn, quy định về tăng tỷ lệ phí bảo hiểm và bổ sung một số cơ sở có nguy cơ cháy nổ (tại Nghị định 97/2021/NĐ-CP) cùng việc bổ sung quy tắc điều khoản mức phí đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (tại Nghị định 20/2022/NĐ- CP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu phí của dòng sản phẩm này.
Theo ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) - công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức, thách thức trong nước là thời gian qua, phân hóa xã hội rõ nét hơn, kèm theo áp lực lạm phát tăng cao nên khó bán bảo hiểm hơn. Do đó, thị trường bảo hiểm cần nhiều hơn những nhà tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp để giúp người dân hiểu rõ hơn lợi ích của bảo hiểm, từ đó cải thiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm.
“Thách thức quốc tế là thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm, các mô hình đầu tư chịu lỗ ban đầu để tăng quy mô đang chịu sự nghi ngờ tăng lên của các doanh chủ và giới đầu tư, dẫn tới các công ty bảo hiểm tại Việt Nam cũng phải nhìn lại mô hình kinh doanh của mình. Nhiều công ty bảo hiểm bỏ ra rất nhiều tiền để chiêu mộ đội ngũ, tăng trưởng nóng, nhưng hiện nay sụt giảm doanh thu rất lớn”, ông Hải nói.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cạnh tranh gay gắt dẫn đến chi phí doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho kênh phân phối ở mức rất cao, từ đó làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp ra thị trường.
FPTS đưa ra nhận định, tỷ lệ chi phí hoạt động tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khó cải thiện do cạnh tranh gay gắt và nhiều nhà bảo hiểm đang trong giai đoạn đầu tư mạnh để phát triển hạ tầng số.
Cơ hội cho bảo hiểm xe cơ giới
Báo cáo do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 18%, cao hơn nhiều so với mức chỉ 5% của cùng kỳ năm trước (do tác động của đại dịch Covid-19).
Còn số liệu ước tính mới nhất của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 39.600 tỷ đồng, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2021.
Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo hiểm PVI ước đạt 6.144 tỷ đồng, tăng 20,12% và chiếm thị phần 15,52%. Tiếp đến là Bảo hiểm Bảo Việt (5.452 tỷ đồng), Bảo hiểm Bưu điện - PTI (3.856 tỷ đồng), MIC (2.930 tỷ đồng) và Bảo hiểm Bảo Minh (2.905 tỷ đồng).
Một số công ty phi nhân thọ ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc ở mức cao trên 40% trong 7 tháng qua có thể kể đến là OPES (811 tỷ đồng, tăng 62,41%); Xuân Thành (527 tỷ đồng, tăng 60,48%); VNI (1.639 tỷ đồng; tăng 40,71%). Số khác ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm như AIG (211 tỷ đồng; giảm 43,56%); Phú Hưng (23 tỷ đồng; giảm 10,03%); Fubon (350 tỷ đồng; giảm 3,05%)…
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu ở mức 32,83% (13.002 tỷ đồng), tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (10.714 tỷ đồng), bảo hiểm cháy nổ (5.320 tỷ đồng), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (4.862 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, so với các nghiệp vụ khác, bảo hiểm xe cơ giới có nhiều cơ hội bứt phá hơn trong thời gian tới, khi mà số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là xe ô tô.
Tính đến hết tháng 7/2022, mảng bảo hiểm xe tăng gần 12% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 27,5% trong tổng doanh thu toàn thị trường. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.676 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,9% và tăng 11,4%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 8.005 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,6% và tăng 11,4 %.
Dẫn số liệu khảo sát gần đây của Ken Research, đại diện Global Care - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số ngành bảo hiểm (Insurtech) cho biết, thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam có nhiều tiềm năng khi thị trường còn phân mảnh và non trẻ. Với sự đầu tư bài bản hơn, trong thời gian tới, ứng dụng cho thuê xe ô tô tự lái được kỳ vọng sẽ đến gần hơn với người dân và đây là cơ hội để mảng bảo hiểm cho xe ô tô tự lái tăng doanh thu, giúp người lái an tâm trên đường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe cá nhân ngày càng tăng, hàng loạt ứng dụng cho thuê xe như BongTrip, Chungxe, Mioto, ExBook, Sigo, Aleka, TripX... được ra đời, góp phần mang lại sự sôi động cho thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam.
Điều cần lưu ý khi mua bảo hiểm xe đó là việc chi trả quyền lợi bảo hiểm. Bởi hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành còn yếu và thiếu, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, thiếu sự liên thông với nguồn dữ liệu chung, gây phân tán và gây khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ thông tin… Điều này có thể ảnh hưởng tới khâu chăm sóc khách hàng cũng như chi trả bảo hiểm.
Trong 7 tháng đầu năm, ước số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ là 11.501 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 29,04% - thấp hơn mức cùng kỳ năm trước (31,90%).
Có 22/32 doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường; 10 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn, trong đó có 3 doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là PTI (42,14%), Liberty (40,17%) và Bảo Việt (40%).