Đạm Phú Mỹ phải trích lập dự phòng lớn trong năm 2008, nhưng năm nay đó không phải là vấn đề lớn với doanh nghiệp này. Ảnh: Hoài Nam

Đạm Phú Mỹ phải trích lập dự phòng lớn trong năm 2008, nhưng năm nay đó không phải là vấn đề lớn với doanh nghiệp này. Ảnh: Hoài Nam

Nhận diện 3 khoản trích lập dự phòng năm 2009

(ĐTCK-online) Mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và luỹ kế cả năm 2009 của các công ty niêm yết đang đến gần. Liệu tình trạng "gây sốc" do việc trích lập dự phòng đột ngột như năm 2008 có xảy ra trong năm 2009 hay không?

Dưới đây là nhận định của chúng tôi về 3 khoản trích lập dự phòng chủ yếu là dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay bằng ngoại tệ và dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính cho năm 2009.

Về dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu sau khi đạt mức cao kỷ lục vào khoảng tháng 9/2008 thì đã có sự sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% so với lúc đỉnh điểm. Việc giá nguyên nhiên vật liệu tuột dốc quá nhanh đã để lại một khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho khổng lồ cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất và phân phối trong năm 2008. Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Hòa Phát phải trích lập khoảng 176 tỷ đồng, Tổng CTCP Đạm Phú Mỹ phải trích lập khoảng 630 tỷ đồng. Sang năm 2009, sau khi tạo đáy trong quý I, giá cả nguyên nhiên vật liệu đã tăng trở lại, trung bình khoảng 30 - 40% so với đầu năm. Do vậy, khoản dự phòng này chắc chắn không phải là vấn đề lớn đối với các công ty niêm yết trong năm 2009.

Về dự phòng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay bằng ngoại tệ. Đây thực sự là gánh nặng lớn trong năm 2008 đối với các công ty niêm yết vay ngoại tệ để đầu tư. Đơn cử, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đã phải trích lập hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2008. Tuy nhiên, sang năm 2009, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 177/2009/TT-BTC hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với chênh lệch tỷ giá các khoản nợ bằng ngoại tệ. Theo đó, doanh nghiệp có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để không bị lỗ. Do vậy, khoản dự phòng này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh năm 2009 của các doanh nghiệp. Đối với PPC, ước tính năm 2009, sau khi trích lập, Công ty có lãi trước thuế khoảng 830 tỷ đồng.

Về dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính. Việc đánh giá tác động này phụ thuộc vào cách hoàn nhập mà các công ty sử dụng trong năm 2009. Nhìn vào chỉ số VN-Index tại thời điểm cuối các quý (quý IV/2008 là 315 điểm, quý II/2009 là 448 điểm, quý III/2009 là 580 điểm và quý IV/2009 là 494 điểm), có 2 khả năng xảy ra: (1) công ty chỉ hoàn nhập khi chứng khoán đã được bán, như vậy áp lực trích lập cuối năm không lớn; (2) công ty thực hiện hoàn nhập trên sổ sách sẽ gặp áp lực lớn do phải trích lập trở lại. Thực tế cho thấy, quý II/2009, nhiều công ty có lãi đột biến do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Thị trường có thể sẽ có những thông tin bất ngờ khi báo cáo tài chính quý IV/2009 được công bố.