Nhằm mốc 3 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc

Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành dệt may Việt Nam, đang mở ra nhiều cơ hội lớn trong năm 2015, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 3 tỷ USD.
Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành dệt may Việt Nam, đang mở ra nhiều cơ hội lớn trong năm 2015

Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành dệt may Việt Nam, đang mở ra nhiều cơ hội lớn trong năm 2015

Niềm tin về kim ngạch xuất khẩu 2015 sang thị trường Hàn Quốc dựa trên cơ sở đánh giá thị trường. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2,4 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013, trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam/nữ.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, năm 2014, thị phần của hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đạt 16,4%, tăng 2,1% so với 2013, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc đạt 43,44%, giảm 1,59% và thị phần của các nước khác như Myanmar, Mỹ, Australia, Italy chỉ tăng dưới 0,5% so với năm 2013.

Trong khi đó, trong năm nay, kim ngạch nhập khẩu dệt may của thị trường Hàn Quốc được dự báo có thể đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2014. Đó là tin tốt cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho biết, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn đối với hàng dệt may Việt Nam, cùng với các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.

Với đà xuất khẩu như những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ sớm đuổi kịp thị trường Nhật Bản và thu hẹp khoảng cách với thị trường EU. Cơ sở của dự báo này là, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản chỉ vượt Hàn Quốc 300 triệu USD, với 2,7 tỷ USD; còn EU là 3,4 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, so với nhiều ngành xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may đã có những thay đổi nhanh nhạy, nắm bắt tốt hơn diễn biến thị trường và có sự chuẩn bị để đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Khu vực sản xuất tại Lạng Giang, thuộc Công ty cổ phần May Bắc Giang cho hay, kết thúc 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 160 triệu USD, trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tới 40%. Do vậy, thị trường Hàn Quốc tiếp tục được Công ty ưu tiên khai thác mạnh mẽ trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đông Phong (Thái Bình) cho hay, dù thị trường Hàn Quốc không nằm trong những thị trường lớn của doanh nghiệp, nhưng trước những cơ hội đang mở ra, Công ty sẽ có đầu tư bài bàn để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc gia tăng mạnh là minh chứng cho việc chú trọng thị trường này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với Hàn Quốc đã tăng từ 10.900 doanh nghiệp trong năm 2013 lên 13.100 doanh nghiệp năm 2014.

Với riêng ngành dệt may, ngoài 510 doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, còn có hơn 100 doanh nghiệp trong nước đang có hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Unico Global Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD), Công ty TNHH PS VINA (kim ngạch xuất khẩu trên 17 triệu USD), Công ty TNHH Eland Vietnam (trên 15 triệu USD)…

Tin bài liên quan