Cơ quan này lưu ý các doanh nghiệp phải tổ chức quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập tại bộ phận nghiệp vụ, bộ phận quản trị rủi ro, kiểm toán tuân thủ và các bộ phận kiểm soát khác… Nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác theo đánh giá của doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp phải theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động…
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan khác. Trong đó, không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau, không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ gửi tiền tại các cổ đông, thành viên là các tổ chức tín dụng.
Đối với vấn đề thuê ngoài, lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập quy trình thuê ngoài, quy trình quản trị rủi ro… Có phương án dự phòng bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm đối với hoạt động thuê ngoài theo quy định. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm cũng phải thực hiện kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định…
Hiện tại, tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng từ 75% đến hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp phi nhân thọ, còn lại là đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và góp vốn. Trong năm qua, thị trường chứng kiến tỷ lệ bồi thường gia tăng khi nhịp sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường sau dịch, cùng với đó là lãi suất tiền gửi giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, thị trường chứng khoán không mấy sôi động… đã tác động mạnh mẽ tới hiệu quả đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ghi nhận số liệu kết quả kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, phần lớn lợi nhuận đều “đi lùi”. Bước sang năm 2023, dù lãi suất đã ổn định hơn, nhưng thị trường tài chính - chứng khoán - trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, nên cẩn trọng trong đầu tư - kinh doanh là không thừa.
Năm 2023, dù lãi suất đã ổn định hơn, nhưng thị trường tài chính - chứng khoán - trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, nên cẩn trọng trong đầu tư - kinh doanh là không thừa.
Ngoài ra, thị trường tái bảo hiểm cũng chứng kiến nhiều bất ổn. Theo đó, chiến lược quản trị rủi ro cũng như năng lực tái bảo hiểm của các nhà tái được dự báo sẽ có sự thay đổi đáng kể theo hướng chặt chẽ hơn trong áp dụng các điều kiện, điều khoản loại trừ, chính sách cắt giảm hoa hồng tái… và điều này sẽ tác động trực tiếp đến công việc kinh doanh của các công ty bảo hiểm.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông mới đây, đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, tình hình kinh doanh năm 2023 được đánh giá còn đối mặt với nhiều thách thức do kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nên Công ty thận trọng khi đặt ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cũng như danh mục đầu tư, cụ thể là: Hơn 88% đầu tư tiền gửi ngân hàng; 2,9% đầu tư trái phiếu và cổ phiếu; gần 6% đầu tư vốn góp.
“Hoạt động kinh doanh bảo hiểm về nguyên tắc là lấy số đông bù số ít, do đó Ban lãnh đạo Công ty sẽ cố gắng đảm bảo cân đối trong điều hành hoạt động kinh doanh, đảm bảo đạt được các mục tiêu về tỷ lệ kết hợp, doanh thu, lợi nhuận…”, đại diện Bảo Minh nói.
Nhìn chung, trong hoạt động đầu tư, với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính để luôn sẵn sàng đáp ứng cam kết của các hợp đồng bảo hiểm, nên không chỉ Bảo Minh, mà các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng ưu tiên lựa chọn các tài sản có mức độ an toàn cao và thời hạn dài như trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng, hơn là các tài sản rủi ro như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...n