Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên vừa diễn ra tại Hà Nội.
Mặc dù tiến độ bàn giao mặt bằng đã tăng tốc, với việc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ đã bàn giao được 1.068 ha/1.788 ha mặt bằng (đạt 60%) và Dự án đường Hồ Chí Minh đã giao 84,51 ha/91,09 ha (đạt 90%), nhưng hàng loạt địa phương đứng trước nguy cơ lỡ kế hoạch, bởi Chính phủ yêu cầu phải bàn giao dứt điểm công địa trước ngày 31/3/2014.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2013, tổng diện tích mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công tại cả hai tuyến mới đạt xấp xỉ 10%, dấy lên mối quan ngại về nguy cơ 2 công trình trọng điểm quốc gia này “vỡ tiến độ” hoàn thành vào cuối tháng 12/2015.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đến thời điểm này, khó khăn lớn nhất tại 2 dự án trên là vốn phục vụ đền bù GPMB và xây lắp thì đã được Chính phủ lo đủ. Tính đến cuối tháng 2/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã chuyển 6.354 tỷ đồng cho các địa phương.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có Quốc lộ 1 đi qua vẫn chưa hoàn thành công tác xây dựng khu tái định cư cho khoảng 4.000 hộ bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân làm công tác giải ngân mới đạt khoảng 40% lượng vốn đã bố trí (3.109 tỷ đồng).
“Bí thư tỉnh ủy một số địa phương có tuyến đường đi qua chưa thực sự vào cuộc, còn có tư tưởng khoán trắng cho cấp cơ sở, trong khi GPMB Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 được Chính phủ yêu cầu phải coi là nhiệm vụ trọng tâm số 1”, Phó thủ tướng nhắc nhở.
Hai địa phương bị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải kiểm điểm trách nhiệm là Phú Yên và Quảng Ngãi do mới bàn giao được khoảng 40% công địa Quốc lộ 1.
Không chỉ lãnh đạo các tỉnh, mà một số nhà đầu tư các dự án BOT Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 cũng đã bị Phó thủ tướng Chính phủ “điểm huyệt”, như Công ty TNHH Thi Sơn - nhà đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp không đáp ứng được yêu cầu ứng trước 50 tỷ đồng hỗ trợ đền bù theo yêu cầu của UBND tỉnh Hậu Giang.
Được biết, ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nếu trong 10 ngày nữa mà nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về tài chính, thì Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng BOT.
“Bộ GTVT đã giao cho các thứ trưởng toàn quyền quyết định, có thể “tiền trảm, hậu tấu” bất kỳ nhà đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án nào chậm trễ”, ông Thăng quyết liệt.
“Áp lực đối với công tác GPMB cho 2 dự án là rất căng, bởi khối lượng mặt bằng còn lại rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn khoảng một tháng. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành dứt điểm trước tháng 4/2014, thì việc này sẽ kéo vỡ tiến độ xây lắp của hai công trình”, ông Thăng phân tích.
Ngoài việc giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, thì công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của các chủ đầu tư như viễn thông, điện lực, cấp thoát nước diễn ra rất chậm. Ở hai dự án này, chỉ riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn hơn 10.000 cột điện trung và hạ thế nằm trong chỉ giới thi công.
Đối với nguồn vốn hỗ trợ GPMB, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho các địa phương, có thể ứng vốn trước cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Với một số ít địa phương có ngân sách dự phòng quá mỏng, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng hợp, đề xuất cơ chế báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ sớm.
Liên quan tới hiện tượng một số hộ dân cản trở thi công tại một số vị trí, quan điểm của Chính phủ là không để người dân thiệt thòi, song sẽ cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp chây ì, chống đối.
“Các ngành, các cấp tại các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Trong đó, bí thư và chủ tịch các địa phương phải xuống tận cơ sở để vận động nhân dân và giải quyết kịp thời các vướng mắc”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.