Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Phép màu” của văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
Với người Việt trong gian nan, đơn giản chỉ là những phép thử không hơn không kém và sau những phép thử đó, những bon chen, so bì, ganh ghét thường ngày đều bị lu mờ bởi lòng nhân ái.

Với cách nhìn dung dị, nhưng sâu sắc, mang tầm khái quát cao, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi cho rằng, khó khăn, gian nan hay những nhọc nhằn cùng những lo toan, với người Việt, trong gian nan, đơn giản chỉ là những phép thử không hơn không kém và sau những phép thử đó, những bon chen, so bì, ganh ghét thường ngày đều bị lu mờ bởi những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp.

Thưa ông, đã từng có rất nhiều bài viết nhằm mổ xẻ bản chất của con người Việt Nam và hầu hết đều có chung nhận xét rằng, trong hành xử hàng ngày, trong cách đối nhân xử thế với hàng xóm, đồng loại…, người Việt ta đều hướng thiện, thậm chí, ngay cả với kẻ đối địch, khi chiến cuộc qua đi, chúng ta đều rộng vòng tay. Điều đó nên lý giải như thế nào?

Người làng Chùa của tôi có câu: “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Nghĩa là, đạo sống của người Việt đã được hình thành từ tổ tiên, ông bà mình.

Đạo sống đó được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và tạo thành văn hóa Việt. Văn hóa Việt hình thành từ văn hóa làng. Và cộng đồng làng được dựng lên bởi gia đình, dòng họ và hàng xóm.

Chính vậy, người Việt sống tựa vào cộng đồng như gia đình, dòng họ, làng xóm và mối quan hệ này đã làm cho người Việt vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống của mình. Sống dựa vào cộng đồng, thì sự gắn kết, chia sẻ, vị tha và đùm bọc là điều vô cùng quan trọng. Những điều đó tự hình thành trong đời sống cộng đồng đó.

Nếu đọc lại những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… của tổ tiên để lại, chúng ta có thể nhận thấy sự giản dị và thẳm sâu của tâm hồn và tư tưởng người Việt trong cuộc sống. Ở đó cho thấy, giáo dục nhân văn và đức hy sinh cho người khác của tổ tiên, ông bà đối với các thế hệ sau của mình là một nguyên tắc không bao giờ thay đổi.

Có một điều rất khó lý giải là, càng khó khăn, càng gian nan, người dân càng không tính toán hơn thiệt. Như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, người ta không hề toan tính khi dỡ nhà làm cầu cho xe vượt lầy, chăm lo đùm bọc bộ đội… Phải chăng là, đó đây trên đất nước ta có điều gì đó như là phép màu vậy, thưa ông?

Đấy chính là phép màu của văn hóa. Chúng ta nhớ rằng: hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, nhưng văn hóa Việt vẫn không bị đồng hóa. Nghĩa là người Việt không chịu khuất phúc trước mọi đội quân xâm lược. Phong kiến Trung Hoa đã tìm mọi cách để “giết chết” văn hóa Việt. Bởi khi văn hóa của một dân tộc bị mất, thì lúc đó nước mới bị mất trong tận cùng tinh thần của nghĩa “mất nước”. Bởi thế, người Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mình.

Trong giai đoạn mới đây, sau một đoạn thời gian người ta quay cuồng trong làm giàu, nháo nhào trong kiếm chác, thậm chí là lường gạt khiến thói giả dối, thờ ơ với số phận đồng loại, vô cảm với nỗi đau của người khác đã gia tăng đến mức báo động. Hàng ngày, cứ mở báo ra là thấy lừa đảo, hàng giả, cướp bóc khiến mỗi chúng ta đều cảm thấy lo lắng về đạo đức băng hoại, về sự biến chất của người Việt. Tuy nhiên, ngay khi dịch Covid-19 hoành hành nhiều nơi, hàng loạt việc diệu kỳ đã xảy ra, cứ như thể “tôi hôm qua” với “tôi hôm nay” là hai người hoàn toàn không có liên quan. Ngày hôm qua, vì tranh một cuốc xe kiếm vài chục ngàn đồng, mấy anh xe ôm có thể xông vào ẩu đả, nhưng vẫn anh chàng nọ, trong cơn mưa gió có thể chạy xe hàng chục cây số dẫn đường cho dòng người hồi hương từ Nam ra Bắc.

Người ta đội mưa ra đưa sữa cho trẻ con, mỳ ăn liền cho người lớn, thậm chí còn căng bạt che ắc-quy để người chạy dịch có thể xạc pin điện thoại… Làm sao có thể lý giải những hiện tượng này, thưa ông?

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc sống bình dị và khiêm nhường. Trong đời sống thường nhật, họ thu về trong phạm vi gia đình. Họ tìm mọi cách để chăm sóc và bảo vệ gia đình của mình. Nhưng khi đất nước đứng trước một thách thức hay hoạn nạn, thì gia đình nhỏ bé ấy mở rộng thành một đất nước. Và lúc đó, họ thấy mình có trách nhiệm với “đại gia đình” của mình. Sự “vun vén” đáng yêu cho một gia đình, một ngôi nhà đã biến mất và thay vào đó là một sứ mệnh lớn lao hơn đối với cộng đồng. Điều này chúng ta rất dễ tìm thấy trong những câu chuyện ở mọi thời đại trong lịch sử dân tộc. Cũng như để bảo vệ đất nước, thì họ sẵn sàng mọi giá với kẻ thù. Nhưng khi chiến thắng kẻ thù, thì họ lại sẵn sàng tha thứ.

Lòng vị tha là một tài sản của văn hóa Việt, của con người Việt. Ngay truyền thuyết mẹ Âu Cơ cũng là một hình thức giáo dục về nguồn cội chung của người Việt Nam. Khi cùng một dòng máu, cùng một nguồn cội thì người ta sẽ sống đầy yêu thương và hy sinh.

Thưa ông, những hành động đầy chất nhân văn đó, nhưng lại được thể hiện qua những cử chỉ, lời nói rất bình dị và vô cùng tự nhiên của những anh xe ôm, những người bán quán ven đường hàng ngày vẫn phải vật vã mưu sinh. Phải chăng, đó chính là biểu hiện sinh động nhất của điều mà chúng ta vẫn gọi là “văn hóa Việt”?

Chỉ có văn hóa mới sinh ra những hành động nhân văn như thế. Chỉ có văn hóa mới xác lập được tư cách và nhân cách của một con người và một dân tộc.

Khi nói đến văn hóa là nói đến những giá trị đã trở thành mẫu số chung trong toàn bộ tình cảm và tư duy của hầu hết con người sống trong nền văn hóa đó, cho dù người đó làm việc gì và ở vị trí nào trong xã hội. Giống như cây đào thì mọi cành của nó đều có thể ra hoa đào. Ông cha ta nói “chín bỏ làm mười”. Ông cha ta cũng nói: “Thương người như thể thương thân”. Đấy là minh triết Việt, thẳm sâu, nhân ái và vô cùng giản dị. Và tinh thần văn hóa ấy đã lan tỏa vào đời sống con người Việt Nam ở bất cứ thời đại nào.

Tin bài liên quan