1. Chừng gần 20 năm trước, chúng tôi thường ngồi chơi cuối tuần tại một quán bar trên đường Đồng Khởi. Chủ quán là Việt kiều Thụy Sỹ. Anh có nét hào hoa của dân Hà Nội, lại có sự hào sảng của người sống ở Sài Gòn lâu năm và thêm vốn văn hóa cùng kiến thức của người bôn ba làm ăn nơi xứ người.
Mỗi khi gặp nhau, khách và chủ quán nhẹ nhàng gật đầu chào, với lời chúc tốt lành. Quán bar lúc nào cũng đông. Người ta tới chỉ uống 1 ly bia, hoặc ly rượu, hoặc ly cocktail nhẹ nhõm và tán đủ thứ chuyện trên trời dưới bể.
Có những thời gian cao điểm cuối tuần, để kiếm được 2 chiếc ghế trên quầy bar ngồi cùng người bạn thân, không hề dễ dàng. Quán mở khuya và tập trung nhiều dạng người. Hay nhất là chẳng ai biết ai!
Sau này, trong bữa tiệc của người bạn, tôi gặp lại chủ quán. Khi ấy, anh thông báo đã ngưng không đầu tư vào quán bar đó nữa, thời gian gần đây ít sống tại Sài Gòn. Và cũng đã ly dị người vợ thứ hai, bắt đầu xây dựng tổ ấm với người vợ thứ ba.
Anh kể vừa mua căn nhà ở 1 bãi biển bên Thái Lan. Cô vợ thứ ba khiến anh cảm động rất muốn gắn kết, vì qua một thời gian anh bị mắc chứng bệnh khá nghiêm trọng, cô luôn bên cạnh chia sẻ và động viên.
Cô còn trẻ, nhỏ hơn anh đến cả 30 tuổi, nhưng chỉ tới với anh vì tình cảm đơn thuần, chứ không phải vì tiền bạc. Sau những thăng trầm trong cuộc sống và bạo bệnh, anh chọn cô là người cùng đi với mình những tháng năm còn lại. Họ đang sửa chữa căn nhà gần biển bên Thái Lan và sống bên đó nhiều hơn ở Sài Gòn.
Nhưng, anh vẫn nhớ Sài Gòn. Những khi rảnh, anh thường bay về Sài Gòn để nhâm nhi ly cocktail cùng bạn bè, thỉnh thoảng văng tục một câu rất đời và cười sảng khoái.
Hỏi anh vì sao không phải là Nha Trang, là Vũng Tàu, là Phan Thiết, là Phú Quốc, mua 1 căn biệt thự ở các vùng biển này, rồi đi tới đi lui, anh nói, căn bệnh của anh cần được chữa trị ở nơi có dịch vụ và sự chăm sóc tốt nhất. Sài Gòn dù đã có nhiều nơi cũng xịn lắm rồi, nhưng để so sánh với vùng đất anh ở, thì vẫn có nhiều cách biệt. Vì vậy, mới đành sống một nơi và nhớ một nơi.
2. Dạo gần đây, tôi thấy có sự dịch chuyển về tâm lý của nhiều người bạn. Ví như cách nay 3 tuần, tôi nhận được cú điện thoại hẹn gặp của người bạn làm ăn lâu năm với gia đình nhờ viết hồi ký.
Anh nói, đã vừa bán toàn bộ công ty chuyên về máy móc công nghiệp với giá gần 100 triệu USD. Giờ thì anh rong chơi, cũng như tận hưởng mọi thứ hay nhất mà trong khoảng hơn 30 năm chỉ cắm cúi đi làm, kiếm tiền, không có thời gian nào cho bản thân.
Số tiền khủng ấy, ăn xài kiểu gì, thế nào, làm sao mà hết. Nhưng, điều quan trọng là đến giờ anh mới thấy chất lượng sống quan trọng khủng khiếp đến mức nào.
Trong bữa ăn sáng, người đàn ông thành đạt này khoe vừa mua được căn nhà ở thành phố biển gần Sài Gòn. Để duy trì được cây cối, hồ bơi, sự sạch sẽ và tiện nghi, anh đã phải thuê tới 3 người chỉ để lau dọn. Thời gian đầu, anh thường một mình chạy xe tới đây, thong dong nghỉ ngơi, đọc sách, cà phê.
Hai cậu con trai đã lớn và đều ở bên Mỹ hết, bà xã anh vẫn đang làm trong một bệnh viện công, việc bù đầu, mà thực sự đó cũng là niềm vui của chị. Vậy là anh một mình một ngựa, đi mãi ở mãi cũng không vui lắm. Tuần nào cũng phải lên danh sách, gọi nhiều bạn bè, năn nỉ các bạn đi cùng.
Anh nói, bao năm ở chốn thương trường thấy đơn độc, giờ đã có đủ mọi thứ trong tay rồi vẫn thấy đơn độc. Rốt cuộc, con người quả là tham lam, anh nói. Không biết sống làm sao cho phù hợp và cho thỏa mãn.
Căn nhà chỉ đủ kê chiếc giường, hay căn biệt thự rộng mênh mang, thì cũng vẫn đau đáu đi tìm sự hoàn hảo. Nhưng, kiếm ở đâu ra điều xa xỉ này?
Vì thế, ở rất nhiều thành phố biển, những căn nhà vắng đều có lý do của riêng nó và chỉ của chủ nhân nó. Mà thú vị nhất, là chẳng có lý do nào giống nhau cả!