Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của Nhà Trắng về sự tái xuất của dịch bệnh Ebola ở hai quốc gia châu Phi. Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về tình hình ở Trung Phi và Tây Phi.
“Trong khi thế giới đang quay cuồng với đại dịch Covid-19 thì Ebola lại xuất hiện đồng thời ở cả Trung Phi và Tây Phi. Thế giới không thể quay đầu theo hướng khác. Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để ứng phó một cách nhanh chóng, hiệu quả và với nguồn lực tương xứng để ngăn chặn những đợt bùng phát này trước khi chúng trở thành dịch lớn”, Psaki cho biết trong một tuyên bố.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh Ebola mới tại Butembo, một thành phố ở tỉnh Bắc Kivu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo. Các quan chức của WHO cho biết hôm thứ Sáu (12/2) rằng họ đang vận chuyển vắc xin đến thành phố này và đang chạy đua để ngăn chặn căn bệnh gây chết người cao trước khi virus lây lan rộng rãi.
Mặt khác, các quan chức ở Guinea vào cuối tuần qua cũng đã xác nhận sự tái xuất của dịch bệnh Ebola ở N’Zerekore, miền nam Guinea. Hôm Chủ nhật (14/2), sau khi ít nhất 3 người chết và 4 người khác nhiễm bệnh, Guinea đã tuyên bố bùng phát dịch Ebola. Các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia cũng đã đặt công dân của họ trong tình trạng báo động cao.
Không giống như đại dịch Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao và có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng, dịch bệnh Ebola được cho là lây lan chủ yếu qua những người đã bị bệnh có triệu chứng rõ ràng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), virus này lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của những người bị bệnh hoặc chết vì bệnh.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong theo ca nhiễm bệnh Ebola trung bình là 50%, mặc dù tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng đợt bùng phát.
Psaki cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm thứ Ba (26/2) đã trao đổi với các đại sứ của Guinea, DRC, Sierra Leone và Liberia “để truyền đạt sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ của Mỹ” với các quốc gia đó.
"Ông Sullivan nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Biden trong việc cung cấp sự lãnh đạo của Mỹ để tăng cường an ninh y tế và tạo ra các hệ thống tốt hơn để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế. Các đợt bùng phát đòi hỏi phản ứng nhanh chóng và áp đảo để tránh hậu quả thảm khốc”, Psaki cho biết.
Sự tái xuất của Ebola ở Guinea và DRC khiến các chuyên gia y tế toàn cầu đặc biệt lo ngại vì những quốc gia này là nơi từng có hai đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử.
Theo WHO, đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi bắt đầu ở Guinea vào năm 2014 trước khi lan qua biên giới đất liền tới Sierra Leone và Liberia. Đến cuối năm 2016, đã có hơn 28.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có hơn 11.000 trường hợp tử vong.
“Kể từ khi xảy ra dịch bệnh Ebola năm 2014 ở Tây Phi, Mỹ đã nỗ lực nâng cao và ưu tiên hỗ trợ an ninh y tế với các đối tác thông qua Chương trình nghị sự về An ninh Y tế Toàn cầu và với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Quốc hội”, Psaki cho biết.