Nhà Thủ Đức (TDH) bán gần hết tài sản

Nhà Thủ Đức (TDH) bán gần hết tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) liên tục thoái vốn tại các công ty con, các dự án và dừng mọi hợp tác với Công ty cổ phần Louis Land.

Cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp bán cổ phiếu

Ngày 14/10/2021, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có văn bản thông báo quyết định đưa cổ phiếu TDH vào diện kiểm soát đặc biệt và hạn chế giao dịch kể từ ngày 21/10/2021, do doanh nghiệp liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Sau quyết định này, ngày 18/10, Công ty cổ phần Louis Land (BII) đã bán toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu TDH, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,07% về 0%.

Nhiều cổ đông nội bộ cũng có động thái thoái vốn, đặc biệt là ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc TDH đăng ký bán toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,3%, thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 29/10 - 26/11/2021; ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đăng ký bán hơn 1,75 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, dự kiến thực hiện trong tháng 11/2021.

Đầu năm 2020, TDH bị Cục Thuế TP.HCM truy thu số tiền thuế đã được hoàn từ hoạt động xuất nhập khẩu là 396,35 tỷ đồng. Theo TDH, thông tin bất lợi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và tình hình tài chính của doanh nghiệp, gây hoang mang cho đối tác, khách hàng và cổ đông, cũng như ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, công nhân viên. TDH đã lập ra Ban xử lý khủng hoảng, có những định hướng khắc phục hậu quả, duy trì hoạt động ổn định và củng cố lòng tin cho đối tác, khách hàng, cổ đông.

Kết thúc năm 2020, TDH ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, doanh thu đạt 2.030 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2019; lỗ ròng hơn 363 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là lãi 314 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, TDH lỗ lũy kế gần 143 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thua lỗ khiến cổ phiếu bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/3021.

Năm 2021, TDH đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 121,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận 430,3 tỷ đồng doanh thu, giảm 56,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 25% mục tiêu cả năm và 217,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt mục tiêu cả năm, nhờ thoái vốn ở nhiều công ty con, công ty liên kết (doanh thu hoạt động tài chính đạt 303,9 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước).

“Game” TDH và BII kết thúc

Ngày 20/10/2021, TDH đã thông qua nghị quyết về việc chấm dứt hợp tác ở một số dự án bất động sản liên quan đến BII, cụ thể là dự án Khu dân cư Cần Giờ, dự án bất động sản tại Nhà văn hóa Long Xuyên, dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang và dự án Phan Văn Hón - Hóc Môn.

BII từng công bố rót vốn vào TDH vì muốn mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản sau đợt tái cấu trúc, nhưng doanh nghiệp này nhanh chóng rút lui khi cổ phiếu TDH bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

“Game” BII và TDH đã tạo ra cơn sốt cổ phiếu TDH, khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào hội chứng FOMO - sợ bỏ lỡ cơ hội với cổ phiếu này. Thời điểm đầu tháng 9/2021, khi TDH có cổ đông lớn là BII, thuộc “họ nhà Louis”, giá cổ phiếu lập tức tăng phi mã.

Từ ngày 10 - 23/9, mã TDH liên tiếp có 10 phiên tăng trần, từ 7.800 đồng/cổ phiếu lên 15.050 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 92,9%. Cổ phiếu liên tục trắng bên bán và giá tăng dựng đứng đã thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia, giúp thanh khoản tăng cao.

Sau khi giá lập đỉnh trong vòng 10 năm, cổ phiếu TDH điều chỉnh giảm, xuống 10.450 đồng/cổ phiếu, nhưng rồi bật tăng trở lại, ngày 28/10 đạt 13.250 đồng/cổ phiếu.

Liên tục thoái vốn, TDH còn lại gì?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2021, tính đến ngày 30/6/2021, TDH có tổng tài sản 4.357 tỷ đồng, giảm 21,7% so với đầu năm; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 15,6 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2020 có lỗ lũy kế gần 143 tỷ đồng; nợ phải trả 1.914 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản và không còn vượt vốn chủ sở hữu (2.443 tỷ đồng) như thời điểm cuối năm 2020.

Dòng tiền trong nửa đầu năm 2021 của TDH chủ yếu đến từ thanh lý tài sản và các khoản đầu tư góp vốn.

Dòng tiền trong nửa đầu năm 2021 của TDH chủ yếu đến từ thanh lý tài sản cố định (107,4 tỷ đồng) và thanh lý khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác (556,5 tỷ đồng).

Cụ thể, tháng 1/2021, TDH thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình - Thủ Đức (công ty con) và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị (công ty liên kết).

Tháng 3/2021, TDH thông báo chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế với giá 962 tỷ đồng, thu về 225 tỷ đồng tiền lãi. Đây là công ty do TDH thành lập để thực hiện dự án Cao ốc hỗn hợp Aster Garden tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính bán niên 2021 của TDH ghi nhận khoản phải thu gần 104 tỷ đồng từ chuyển nhượng Công ty TNHH Thông Đức.

Ngoài ra, TDH không còn nắm giữ dự án Khu nhà ở Golden Hill tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thoái vốn tại dự án kho lạnh ở Đồng Tháp, thoái toàn bộ vốn trong Công ty Chứng khoán Sen Vàng.

Tại dự án Khu đô thị Nam Cần Thơ, tháng 9/2021, UBND Thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới - Khu 3 (Lô số 4A) do TDH làm chủ đầu tư, vốn là một trong những dự án trọng điểm của doanh nghiệp trong năm 2021 với quy mô 54,3 ha và tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

Ngày 1/10/2021, TDH công bố sẽ thoái toàn bộ 5,4 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (FDC), thực hiện từ ngày 6/10 đến 4/11/2021, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 13,88% về 0%. Trước đó, TDH đăng ký bán toàn bộ 8,82 triệu cổ phiếu FDC từ ngày 22/7 đến 26/8, nhưng không thành công.

FDC có hai dự án mà TDH triển khai là tòa nhà văn phòng số 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM, đây cũng là nơi TDH đặt trụ sở, nhưng mới đây đã rời trụ sở đến một địa chỉ mới; dự án thứ hai là Khu dân cư Cần Giờ rộng gần 30 ha.

Ban lãnh đạo TDH vừa thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ gần 13 triệu cổ phần, tương ứng 40% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Phát triển Nhà Daewon - Thủ Đức, với giá dự kiến 81,6 tỷ đồng.

Liên tục thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết, chấm dứt các dự án lớn, vậy TDH còn lại gì?

Trong báo cáo thường niên 2020, TDH nhấn mạnh, năm 2021 sẽ tập trung đầu tư 4 dự án lớn với tổng mức đầu tư 110,5 tỷ đồng, bao gồm Khu nhà ở Golden Hill - Phú Mỹ (8,68 ha, 61,3 tỷ đồng), Khu đô thị Nam Cần Thơ (54,3 ha, 30 tỷ đồng). Thế nhưng, với động thái thoái vốn hàng loạt, TDH sẽ không thực hiện những dự án kể trên.

Hiện trên website của TDH chỉ còn công bố dự án khu dân cư trung tâm tại thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương, tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng, trong đó TDH đầu tư 65% vốn. Dự án có tổng diện tích 20,35 ha, gồm hai khu.

Tính đến cuối năm 2020, TDH đã thi công hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu 1 (15,25 ha), còn khu 2 (5,1 ha) đang trong quá trình đền bù và xin phê duyệt quy hoạch. TDH lên kế hoạch sẽ hoàn tất các bước còn lại của dự án để xin phép mở bán trong năm 2021.

Cũng trong báo cáo thường niên 2020, giai đoạn 2021 - 2025, TDH cho biết, song song việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn ngắn hạn để đẩy lùi khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi là đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của ngành này lên 60% tổng doanh thu.

TDH ưu tiên mở rộng quỹ đất tập trung ở TP.HCM và Hà Nội, chọn phân khúc nhà thấp tầng, căn hộ trung bình ở các quận vùng ven và văn phòng cho thuê ở trung tâm; liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển dự án, đồng thời phát triển các ngành phụ trợ để tạo nguồn thu.

Trong tháng 11/2021, TDH dự kiến sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2020. Nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin mới nhất về định hướng của TDH tại cuộc họp này, sau các động thái tái cấu trúc có phần “bất ngờ” trong thời gian qua.

Tin bài liên quan