Nhà thầu xây dựng xoay xở vượt khó thời dịch

0:00 / 0:00
0:00
Đối mặt với vô vàn thách thức từ đợt bùng phát thứ 4 đại dịch Covid-19, các nhà thầu đang tìm mọi cách vượt khó để ổn định sản xuất, kinh doanh.
(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chống dịch từ nhà máy đến công trường

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết, Công ty vừa hoàn tất việc tiêm vắc-xin cho tất cả cán bộ công nhân viên hơn 400 người. Với biện pháp này, Thiên Nam như được trang bị thêm tấm khiên để chống đỡ làn sóng Covid-19, giúp doanh nghiệp duy trì nhịp sản xuất và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng thang máy cho các công trình xây dựng đã trúng thầu.

“Khi tình hình dịch gia tăng, Công ty Thiên Nam đã thành lập các tổ phòng chống dịch ở cả khối văn phòng kinh doanh và nhà máy sản xuất. Các biện pháp phòng dịch được thực hiện quyết liệt. Ngoài thực hiện tốt 5K, giãn cách trong sản xuất, thì các quy trình, thủ tục ra vào nhà máy sản xuất, cũng như công trường thi công được triển khai nghiêm ngặt với quyết tấm không để Covid-19 lan từ cộng đồng vào khu vực sản xuất”, ông Vũ nói.

Chung quyết tâm chiến thắng đại dịch để giữ vững sản xuất, ngay từ thời điểm cuối tháng 4/2021, Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, một nhà thầu cung cấp máy phát điện công suất lớn, có nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương), đã nâng mức ứng phó dịch bệnh lên cấp độ cao nhất. Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Sáng Ban Mai, tất cả các bộ phận văn phòng và nhà máy sản xuất đều chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là nếu có trường hợp F0 sẽ vừa cách ly, vừa sản xuất để hoạt động của doanh nghiệp không bị ngưng trệ.

“Bên cạnh thực hành tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì Sáng Ban Mai chủ động đề ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác. Theo đó, khối văn phòng chỉ duy trì 50% số lượng nhân viên và tăng cường làm việc online. Để đề phòng tình huống bị cách lý, các nhân viên phải chuẩn bị tư trang sẵn sàng cho kịch bản vừa ăn ở, sinh hoạt, vừa làm việc tại chỗ. Tại nhà máy sản xuất máy phát điện, chúng tôi thiết lập phòng cách ly dự phòng trường hợp phát sinh các ca F0. Các điều kiện về lưu trú, nhu yếu phẩm sinh hoạt cũng được chuẩn bị sẵn cho trường hợp toàn bộ công nhân phải cách ly tại chỗ, đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất, không để gián đoạn đơn hàng. Ngoài ra, Công ty thiết lập bến bãi và quy trình xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu với tiêu chí hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp”, ông Trọng chia sẻ.

Sáng Ban Mai cũng siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở hàng loạt công trường thi công lặp đặt thiết bị mà các doanh nghiệp này trúng thầu.

Các nhà thầu xây lắp hạ tầng khác cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động tiêu cực từ Covid-19. Rất nhiều nhà thầu lĩnh vực này vừa phải căng mình chống dịch, vừa lo tổ chức thi công nhằm đảm bảo tiến độ các dự án xây lắp quan trọng. Có mặt tại công trường xây dựng khối nhà 5B, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Dự án Cải tạo xây dựng Bệnh viện An Bình (giai đoạn I), phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận các kỹ sư và công nhân vẫn đang miệt mài thi công xây dựng nhằm đảm bảo tiến độ.

Ông Hoàng Văn Lanh, đại diện nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Nguyễn Hoàng (nhà thầu chính các gói thầu xây lắp) cho biết, yêu cầu tiến độ các dự án trọng điểm trên rất gắt, nên dù dịch bệnh bùng phát mạnh, phức tạp, nhưng nhà thầu vẫn tập trung nguồn lực nhân sự, thiết bị cao nhất để thi công phần việc được các chủ đầu tư giao thầu. Theo đó, để duy trì nhịp độ công việc và không đứt đoạn bởi dịch bệnh, các biện pháp phòng dịch được Công ty Nguyễn Hoàng kích hoạt ở mức độ rất cao.

Khảo sát qua các công trình như thi công hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Tăng, chống ngập đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức), công trình Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai)… phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận các nhà thầu Tập đoàn Anh Vinh, Công ty TNHH Cầu đường Hồng An, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường Dương Nhật… thi công các gói thầu trên đều đang căng mình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo tiến độ thi công không bị gián đoạn.

Quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng

Ông Trần Thành Trọng cho biết, cho tới cuối tháng 5/2021, tình hình kinh doanh của Sáng Ban Mai vẫn tốt. Thị trường máy phát điện thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực, nhu cầu gia tăng. Hợp đồng cung cấp máy phát điện đã ký đảm bảo hoạt động tới 70% công suất nhà máy sản xuất của Sáng Ban Mai cho cả năm. Đặc biệt, tăng trưởng doanh thu ghi nhận ở mức 40% so với năm trước.

Không được thuận lợi về mặt thị trường như Sáng Ban Mai, ngay tháng 6/2021, khi Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, Công ty Thang máy Thiên Nam lập tức ghi nhận lượng đơn hàng giảm mạnh so với những tháng trước đó. Theo ông Nguyễn Tấn Vũ, tính tới hết tháng 6/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua thị trường thang máy giảm rõ, nhất là tại các địa phương dịch bùng phát mạnh. Dự báo tình hình trong các tháng tới rất khó khăn. Không ít dự án xây dựng bị dừng và giãn tiến độ, nên thang máy sản xuất ra không bán được.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Công ty Thiên Nam đang bươn chải tìm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm thang máy với phương châm đẩy mạnh bán hàng ở vùng, địa phương không bị ảnh hưởng dịch, giảm bớt khó khăn trước sự trồi sụt tại thị trường TP.HCM.

Ông Vũ chia sẻ, doanh nghiệp ông đang trông cậy vào thị trường ngách. Thiên Nam hy vọng, với động thái quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, từ nay đến cuối năm, nhiều dự án xây dựng được kích hoạt sẽ giúp các nhà thầu xây lắp nói chung, Thiên Nam nói riêng bớt khó khăn.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan