Nhà thầu xây dựng đối mặt bài toán "tồn tại hay không tồn tại"

Nhà thầu xây dựng đối mặt bài toán "tồn tại hay không tồn tại"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với thị trường bất động sản đi xuống, ngành xây dựng cũng chịu tác động trực tiếp khi đầu tư công chưa đủ cứu cánh, các nhà thầu không có việc làm, lãi suất ngân hàng ở mức cao và doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán “tồn tại hay không tồn tại”.

Đầu tư công chưa đủ cứu cánh

Tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề Cấp bách gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ngành xây dựng do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ, trong một thập kỷ trở lại đây, năm 2023 là năm khó khăn nhất đối với ngành xây dựng vì rất nhiều yếu tố.

Một mặt, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng do nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, dẫn đến ngành xây dựng bị tác động mạnh. Mặt khác, ngành xây dựng có liên quan mật thiết đến bất động sản. Từ năm 2020, bất động sản đã có dấu hiệu đi xuống và đặc biệt là từ giữa năm 2022 xuất hiện những cuộc khủng hoảng, khiến các doanh nghiệp xây dựng không có việc làm.

Tuy nhiên, từ năm 2021 - 2022 đầu tư công là cứu cánh cho ngành xây dựng. Vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2023 dành cho các công ty hạ tầng kỹ thuật rất lớn. Dù vậy, công trình vốn đầu tư công, hạ tầng kỹ thuật chỉ một số doanh nghiệp có khả năng thực hiện, nên công ăn việc làm cho ngành xây dựng không được phân bổ nhiều. Nhìn chung, các doanh nghiệp xây dựng không những không có công ăn việc làm mà còn có công nợ.

Các doanh nghiệp đầu tư vốn ngoài ngân sách còn gặp khó khăn về tình hình trái phiếu, thị trường không có nguồn thanh toán. Vì vậy, ông Hiệp đánh giá, đối tượng “chịu trận” cuối cùng của cuộc khủng hoảng bất động sản là doanh nghiệp xây dựng.

VACC đã đưa ra nhiều biện pháp, tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi và đề xuất với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước để giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại được trong khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, chuyển biến có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC).

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Fecon (FCN) đồng tình rằng thị trường đang có vấn đề lớn. Cứu cánh cho các doanh nghiệp xây dựng khi thị trường khó khăn là đầu tư công, nhưng cũng có rào cản nhất định.

Thứ nhất, theo quy định về luật đấu thầu, các dự án tương tự về đầu vào như công trình đầu tư công thông thường quy định năng lực kinh nghiệm của nhà thầu trong vòng 5 năm. Nhiều nhà thầu chưa đủ nhưng sở hữu những kinh nghiệm cấu thành năng lực để triển khai dự án. Tuy nhiên những công trình tương tự thì không có, nên chỉ có ít doanh nghiệp được tham gia vào thị phần các dự án đầu tư công.

Thứ hai, hệ thống định mức và đơn giá định mức của nhà nước cho các dự án đầu tư công chưa theo kịp thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp xây dựng tham gia vào dự án đầu tư công lớn thì nguy cơ lỗ rất cao. Vì giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất các ngành tăng cao, nên giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng cũng tăng cao, song không kịp cập nhật vào hệ thống định mức quy định nên không phản ánh vào giá bán, trong khi các dự án đầu tư công có ngân sách đều tính theo quy định nhà nước.

“Đây là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Không làm thì không có việc, nhưng làm thì nguy cơ bị lỗ rất cao. Cho nên một số dự án đầu tư công sẽ khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn”, ông Tùng nhấn mạnh.

“Tồn tại hay không tồn tại"

Trước những khó khăn kể trên, rất nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng phải chấp nhận vấn đề “lời ăn lỗ chịu” để đảm bảo duy trì hoạt động. Tuy nhiên, lời đâu chưa thấy, mà lỗ gần như trong tay.

Ông Hiệp cho biết, hiện nay đa số các gói hạ tầng kỹ thuật do nhà nước chỉ định thầu theo cơ chế, hồ sơ thiết kế do cơ quan tư vấn lập nên thường chưa bám sát điều kiện thực tế của hiện trường, cho nên trong phần thi công của các nhà thầu sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, cơ chế về hợp đồng trọn gói được xác định vào thời điểm đấu thầu chưa có định mức một số lĩnh vực, như định mức giao thông chuyên ngành. Một số đơn giá như đơn giá vật tư vật liệu do địa phương công bố không sát với giá thật các nhà thầu phải mua, thường bị thấp hơn từ 8 - 12%. Đơn cử như Vinaconex nhận xong gói thầu Mai Sơn - Quế Lộ đã dự toán lỗ đến 40%.

VACC đã có kiến nghị về vấn đề này vào ngày 09/08/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Xây dựng cũng đồng ý tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, đồng thời giao các đơn vị phối hợp với VACC tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống và đưa ra 2 định mức chính.

Thứ nhất, những định mức chưa có sẽ phải làm mới; thứ hai, những định mức sử dụng công nghệ cũ thì phải điều chỉnh lại đơn giá định mức. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh đơn giá định mức đến nay rất chậm. Ông Hiệp cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023 may chăng mới có được bước đầu tiên. Đến khi các thông tư được ban hành cũng cần thêm thời gian.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Fecon.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Fecon.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Tùng bổ sung, các doanh nghiệp có nền tảng khoa học kỹ thuật tốt là doanh nghiệp có thể đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành xây dựng, Fecon cũng là doanh nghiệp thành thạo về các công nghệ ngầm và hạ tầng. Tuy nhiên, khi đưa khoa học công nghệ mới vào các dự án đầu tư công thì rào cản là không có hệ thống định mức và hệ thống đơn giá phù hợp cho công nghệ mới.

Fecon áp dụng các công nghệ mới vào dự án nhưng không có đơn giá định mức để tính toán cho công nghệ mới đó. Vậy nên, việc xây dựng để đưa được vào đơn giá ngân sách cần đưa từ xây dựng các định mức cơ sở, đến đơn giá tham chiếu, rồi đến so sánh và được phê duyệt. Quá trình đó thường diễn ra rất lâu và là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp.

Ngoài khó khăn về đơn giá định mức trong các dự án đầu tư công, các doanh nghiệp xây dựng còn phải đối mặt với một khó khăn sống còn là vấn đề dòng tiền.

Ông Hiệp thống kê, 90% các doanh nghiệp xây dựng trong nước có vốn rất nhỏ, thường chỉ dưới 100 - 200 tỷ đồng, còn các doanh nghiệp có vốn trên 3.000 tỷ đồng rất ít. Do đó, tiềm năng kinh tế của các doanh nghiệp xây dựng là nhỏ, trong khi đặc thù ngành xây dựng là làm trước rồi mới được thanh toán, và chỉ được tạm ứng ban đầu một phần từ 15 - 30%, còn lại là vay ngân hàng.

Đến nay, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao (dù đã được hạ), riêng lãi suất các doanh nghiệp vay ngân hàng là từ 10 - 11%, trong khi lãi từ các dự án được xây dựng cẩn thận, nghiêm túc cũng chỉ lãi từ 4 - 5%. Vậy nên, với mức lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp không thể gánh được. Chưa kể thủ tục thanh toán, đặc biệt là các công trình vốn ngoài ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn.

“Dù là các doanh nghiệp hàng đầu, nằm trong top 10 của ngành xây dựng thì cũng khó khăn về dòng tiền, thậm chí vấn đề còn là “tồn tại hay không tồn tại”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Tùng, những vấn đề này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp xây dựng sẽ thu hẹp quy mô và lựa chọn khách hàng rất kỹ, dẫn đến toàn ngành xây dựng sẽ chỉ đi xuống hoặc đi ngang.

Tin bài liên quan