Đường vành đai 3 đã hoàn thành hơn 2 năm, song các nhà thầu chưa nhận được tiền thưởng vượt tiến độ
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vào cuối tuần, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, việc thưởng, phạt hợp đồng phải được quy định trong hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, tại Điều 41, Nghị định số 48/2010/NĐ - CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, việc thưởng hợp đồng phải được ghi trong hợp đồng và mức thưởng không vượt 12% giá trị hợp đồng. Nguồn tiền thưởng được trích từ phần lợi nhuận do việc sớm đưa công trình đảm bảo chất lượng vào sử dụng, khai thác hoặc từ việc tiết kiệm hợp lý các chi phí để thực hiện hợp đồng.
“Nếu hợp đồng ký kết có điều khoản quy định việc thưởng trong trường hợp nhà thầu rút ngắn tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng, thì đề xuất thưởng mà Bộ GTVT đề nghị với Gói thầu số 1, số 2 thuộc Dự án Đường vành đai 3 là có cơ sở”, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.
Với quan điểm trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thưởng vượt tiến độ tại các dự án hạ tầng giao thông sẽ tháo tung các vướng mắc, tạo điều kiện cụ thể hóa mối quan hệ bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Cần phải nói thêm rằng, sau hơn 2 năm từ khi đường vành đai 3, TP. Hà Nội trên cao hoàn thành, các nhà thầu vẫn chưa nhận được tiền thưởng vượt tiến độ hợp đồng, dù Bộ GTVT đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị thưởng cho Liên danh Samwhan - Cienco4 là nhà thầu thi công Gói thầu số 1 vượt tiến độ 263 ngày số tiền 38,85 tỷ đồng và Sumitomo Mitsui là nhà thầu thi công gói thầu số 2 vượt tiến độ 454 ngày 51,106 tỷ đồng.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 12/2014, Bộ Tài chính cho rằng, việc nhà thầu thi công vượt tiến độ là đáng động viên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước, thì tiền vay chỉ dùng chi đầu tư, trong khi tiền thưởng do vượt tiến độ của các công trình xây dựng có được coi là chi cho đầu tư hay không thì chưa được quy định rõ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng phàn nàn rằng, trường hợp quyết định thưởng vượt tiến độ nêu trên cũng là một trong số không ít những trường hợp mà các dự án đầu tư thuộc Bộ GTVT quản lý ký lệnh thay đổi khi chưa xác định trước nguồn vốn thanh toán, trị giá thanh toán, lập dự toán để cân đối kinh phí tại từng cấp ngân sách.
Việc này chưa đúng với Chỉ thị số 14/CT - TTg ngày 28/6/2013 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chủ đầu tư chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, dẫn tới bị động trong cân đối của ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT trao đổi với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn cụ thể trước khi thực hiện các hợp đồng tương tự. Đồng thời, chi phí trả thưởng cần được lập trong dự toán chi thường xuyên/ quỹ khen thưởng của cơ quan quyết định thưởng trước khi thỏa thuận.
Trong khi đó, theo Bộ GTVT, việc phê duyệt, thanh toán tiền thưởng cho nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với quy định hiện hành, không nằm trong các khoản không được thanh toán quy định trong hiệp định vay đã ký và được nhà tài trợ chấp thuận.
Mặt khác, thưởng tiến độ thực tế là để bù đắp một phần chi phí nhà thầu bỏ ra để thúc đẩy tiến độ thi công, nên bản chất cũng là chi phí xây lắp bổ sung. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính thanh toán số tiền thưởng nêu trên cho các nhà thầu từ nguồn vốn vay JICA.
Theo một chuyên gia, lập luận của Bộ GTVT là có cơ sở, bởi Luật Xây dựng và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP đều xác nhận, việc thưởng phạt vi phạm hợp đồng cần được thể chế trong hợp đồng, thể hiện sự sòng phẳng trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
“Hơn nữa, các hợp đồng tại Dự án đường vành đai 3 được thực hiện vào năm 2010, không nằm trong diện ‘phủ sóng’ của Chỉ thị số 14 như Bộ Tài chính dẫn chứng”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phân tích.