Quay cuồng trong cơn bão giá
Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Xây dựng Tấn Tài (TP.HCM) phải chạy đôn, chạy đáo tìm gặp các đối tác để xin được thương thảo lại hợp đồng đã ký hồi đầu năm. Tại thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, mức giá ông Tấn “chốt” là 3,6 triệu đồng/m2, giá sắt thép khi đó chỉ khoảng 14.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá thép đã tăng lên gần 20.000 đồng/kg. Nếu không thương thảo lại, mà cứ tiếp tục thi công, chắc chắn, Công ty của ông Tấn sẽ bị lỗ nặng.
“Nếu giá vật tư chỉ tăng 3 - 5%, thì chúng tôi có thể chấp nhận tiếp tục thi công để giữ uy tín, chứ tăng chóng mặt như hiện nay thì vượt quá giới hạn chịu đựng. Nếu thương thảo không thành công, Công ty đành phải hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường”, ông Tấn thở dài.
Hiện nay, giá xây thô trên thị trường đã tăng lên mức hơn 4 triệu đồng/m2, nhưng trước tình hình giá vật liệu xây dựng không ngừng “leo thang” khiến giá công trình đội lên liên tục, nhiều nhà thầu như ông vẫn không dám chốt hợp đồng, trừ khi có thêm điều kiện được linh động kê lại giá theo chuyển biến của thị trường.
Lo lắng trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp “vỡ trận”, phá sản vì giá thép tăng phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là trong tháng 4, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi văn bản “kêu cứu” tới Văn phòng Chính phủ.
VACC cho biết, tất cả thương hiệu thép đã đồng loạt tăng giá 30 - 40% so với cuối quý IV/2020, khiến chi phí xây dựng tăng vọt so với dự toán. Đa số chủ đầu tư tư nhân đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).
Tình cảnh của các nhà thầu đang thực hiện công trình có vốn nhà nước còn bi đát hơn. Mới đây, 40 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Cà Mau đã ký đơn cầu cứu gửi đến UBND tỉnh này và các ngành có liên quan kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại giá của một số vật liệu xây dựng như sắt, thép, đá, cát... Nguyên do bởi các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của sở xây dựng, nhưng trong các thông báo này lại không cập nhật kịp thời biến động giá của thị trường, nên các nhà thầu phải tự xử lý phần biến động này.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, không riêng mặt hàng thép, giá cả của hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, cát tăng hơn 10.000 đồng/khối; gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/viên lên 3.700 đồng/viên; xi măng cũng điều chỉnh giá tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng/tấn…
Muôn sự đổ đầu nhà thầu
Mới đây, Tập đoàn Xây dựng kiến trúc Thiết Thạch - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thi công tại khu vực TP.HCM - đã chính thức thông báo tăng giá gói xây dựng phần thô thêm 50.000 đồng/m2, đồng thời không quên cảnh báo thêm: “Rất có thể, đơn giá này vẫn tiếp tục tăng theo tình hình biến động của thị trường vật liệu. Công ty sẽ thông báo khi có sự thay đổi”.
Có thể thấy, trước cơn “bão giá” nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép, các nhà thầu không muốn bỏ cuộc, thì buộc phải tăng giá. Nói như ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc Xây dựng Center, sự biến động tăng giá của nguyên vật liệu xây dựng đang khiến thị trường xây dựng hết sức náo loạn, trở thành “ác mộng” của các nhà thầu, nhất là đối với các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.
Ông Nam cho biết, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40 - 70% tổng dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Trước tình cảnh giá vật tư liên tục “leo thang”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC đã phải thốt lên rằng: “Nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình thì ra tòa bị phạt. Muôn sự đổ đầu nhà thầu. Nhà thầu vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp xây dựng đều khẩn thiết kêu cứu cơ quan nhà nước xem xét giải quyết cho hợp tình, hợp lý”.
Cụ thể, đại diện VACC kiến nghị, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp, thì Nhà nước nên sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo giá thị trường. Còn đối với công trình đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội, cần phải có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu.
Từ góc nhìn của một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành chia sẻ, khi thép tăng giá trong ngắn hạn, thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả, bởi hầu hết các dự án đang xây dựng trong giai đoạn này đều giao cho nhà thầu, và tạm thời, đơn giá sản phẩm bất động sản chưa có biến động.
Tuy nhiên, nếu thép và các vật liệu khác vẫn tiếp tục đà tăng giá, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu, tính toán lại các dự án và giá bán căn hộ chắc chắn có thay đổi.