Xi măng tăng giá đã ảnh hưởng tới nhiều công trình xây dựng

Xi măng tăng giá đã ảnh hưởng tới nhiều công trình xây dựng

Nhà thầu “đau đầu” vì giá xi măng tăng cao ​

(ĐTCK) Những tháng cuối năm 2019, công trình đang trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị bàn giao thì giá xi măng liên tục “nhảy múa” khiến các nhà thầu phải “đau đầu”.

Trong 2 tháng trở lại đây, với lý do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, hàng loạt doanh nghiệp xi măng đã liên tiếp điều chỉnh tăng giá từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn.

Cụ thể, cuối tháng 9/2019, Xi măng Công Thanh đã có thông báo gửi các nhà phân phối khu vực miền Trung điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn (bao gồm VAT) đối với tất cả các loại xi măng bao 50 kg bắt đầu từ ngày 1/10/2019; Xi măng Long Sơn cũng tăng 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao PCB 30, PCB 40 (Long Sơn, Tam Sơn) từ ngày 1/10/2019. Đơn giá trên đã bao gồm VAT.

Từ ngày 1/11/2019, Tập đoàn Xi măng The Vissai cũng điều chỉnh giá bán các loại sản phẩm xi măng bao và rời (PCB 30, PCB 40 và PC 40), tăng 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao và 20.000 đồng/tấn đối với xi măng rời. Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long cũng đã tăng 20.000 đồng/tấn (bao gồm VAT) đối với xi măng bao PCB 30, PCB 40.

Với lý do để đảm bảo chi phí sản xuất và ổng định chất lượng sản phẩm, Nhà máy Xi măng Duyên Hà cũng đã điều chỉ tăng 30.000 đồng/tấn cho tất cả các sản phẩm xi măng từ ngày 13/11/2019.

Trước đó, từ khoảng giữa tháng 3/2019, đã có gần 20 nhà sản xuất xi măng tăng giá từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tạo ra một mặt bằng giá mới. Thậm chí, có doanh nghiệp vừa tăng giá 30.000 đồng/tấn hồi cuối năm 2018, lại điều chỉnh tăng tiếp 30.000 đồng/tấn trong tháng 3/2019 như trường hợp Vicem Hoàng Mai.

Nhà thầu “đau đầu” vì giá xi măng tăng cao  ​ ảnh 1

Giá xi măng liên tục tăng trong thời gian qua

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời điểm này đang là giai đoạn gấp rút để các công trình bước vào giai đoạn hoàn thiện và bàn giao để kịp đón năm mới. Do đó, việc hàng loạt các hãng xi măng liên tục tăng giá đã ảnh hưởng không ít đến tiến độ của công trình và chi phí dự trù của chủ đầu tư, nhà thầu cũng bị tăng lên cao.

Đơn cử, chị Thảo, ngụ tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khởi công xây dựng nhà từ tháng 4/2019, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 này, nhưng rất có thể sẽ bị chậm tiến độ. Bởi từ khi bắt đầu xây dựng đến nay, giá các loạt vật liệu thiết yếu như xi măng, cát và sắt, thép liên tục tăng cao khiến chí phí dự trù không đủ để đáp ứng.

“Từ lúc bắt đầu xây dựng đến nay, hết giá thép tăng đến giá cát, bây giờ xi măng cũng tăng, khiến cho chi phí xây dựng của nhà tôi đội lên cao so với dự tính ban đầu. Nếu như nhà chúng tôi hoàn thiện trước thời điểm xi măng tăng giá như hiện nay, thì sẽ tiết kiệm được tới gần chục triệu đồng”, chị Thảo nói.

Việc xi măng tăng giá không chỉ khiến khách hàng lo lắng, mà các nhà thầu xây dựng cũng đang đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Công Tấn, chủ thầu một công trình tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, tại thời điểm này, giá vật liệu tăng cao khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn, bởi chi phí đội lên cao.

“Trước đây, thép tăng giá, chúng tôi đã phải bù lỗ 1.000 đồng/kg, nay xi măng cũng liên tục tăng giá khiến chi phí đội lên rất nhiều. Trong khi dự toán công trình và hợp đồng xây dựng đều đã được ký vào đầu năm, nên hiện tại, công ty phải tự xoay xở kinh phí”, ông Tấn nói và cho biết thêm, với tình hình này, thời gian tới, giá xi măng vẫn chưa có chiều hướng “hạ nhiệt”.

Theo đó, một số đại lý phân phối trên địa bàn đã lường trước tình hình, tranh thủ thời cơ để lấy hàng lúc giá rẻ và khuyến cáo các nhà thầu, chủ đầu tư có nhu cầu mua số lượng xi măng lớn thì phải đặt cọc tiền trước để được giữ hàng. Bởi giá tăng cao, nhưng nhu cầu sử dụng vẫn rất lớn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, không riêng gì ngành xi măng, mà những ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhiều điện đều bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện, giá xăng. Tuy nhiên, dù giá điện liên tục tăng, nhưng các mặt hàng vật liệu xây dựng không thể tăng giá mãi được. Bởi nếu giá vật liệu xây dựng tăng theo giá điện, thì sản phẩm sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

“Việc tăng giá như thế là đánh vào túi tiền người tiêu dùng, nếu tăng giá cao, sẽ khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác. Vì vậy, việc tăng giá lên bao nhiêu thì các doanh nghiệp cần cân nhắc cho phù hợp”, ông Cung khuyến nghị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan