Vì sao nên là các ngân hàng?
Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường tài chính quốc tế, ông Phạm Phú Khôi, Trưởng Ban Đào tạo và sự kiện, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chia sẻ, tại các thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, vai trò của nhà tạo lập thị trường là rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển.
Ở các TTCK phái sinh lân cận Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, thậm chí là Singapore, cũng không mấy phát triển vì vai trò của nhà tạo lập thị trường mờ nhạt, thiếu cơ chế hỗ trợ để hoạt động hiệu quả.
“Hiện tại, các CTCK tại Việt Nam khó đảm đương vai trò là nhà tạo lập thị trường bởi năng lực tài chính, cũng như danh mục đầu tư TPCP không đủ lớn.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại với việc nắm giữ khoảng 95% danh mục TPCP đang lưu hành, cũng như có nhiều lợi thế về vốn, tài sản… thì lại chưa được trao gánh vác vai trò này. Do đó, nếu CTCK làm nhà tạo lập thị trường sẽ khó tạo độ sâu cho thị trường giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP…”, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn (nằm trong số 7 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia TTCK phái sinh) nhìn nhận.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng đã được cấp phép tham gia TTCK phái sinh cho rằng, muốn đảm đương tốt vai trò là nhà tạo lập thị trường, CTCK phải tích cực giao dịch với khối lượng lớn cả trên thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh.
Thế nhưng, hiện trên thị trường cơ sở, mức độ giao dịch TPCP của CTCK là không đáng kể. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ khi nhà đầu tư thường xuyên giao dịch và sở hữu lượng lớn TPCP thì họ mới có nhu cầu giao dịch trên thị trường phái sinh.
Ở vai trò của một CTCK tham gia TTCK phái sinh từ đầu, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC) thừa nhận, dù muốn đảm đương vai trò là nhà tạo lập thị trường, nhưng các CTCK đang đối mặt với không ít khó khăn.
Theo ông Giang, CTCK chỉ có thể đảm đương tốt vai trò của nhà tạo lập trên thị trường Hợp đồng tương lai TPCP khi mua bán tích cực, hiệu quả trên cả thị trường cơ sở lẫn phái sinh. Tuy nhiên, hiện tại, khối ngân hàng thương mại mới là nhà đầu tư chủ lực.
Mặt khác, để trở thành nhà tạo lập thị trường hiệu quả trên cả thị trường TPCP cơ sở và phái sinh, thì giao dịch trên thị trường cơ sở phải có thanh khoản tốt, đồng thời giao dịch trên thị trường thứ cấp phải minh bạch thông qua cơ chế khớp lệnh trên sàn.
Trong khi trên thực tế, các giao dịch trên thị trường thứ cấp tuyệt đại đa số là giao dịch thỏa thuận (việc đặt lệnh được thực hiện qua Sở GDCK Hà Nội sau khi đã có sự thảo thuận) và OTC, còn giao dịch thông qua yết giá trực tiếp và khớp lệnh trên sàn gần như không đáng kể.
Nếu không cải thiện tình trạng này, thì dù muốn, CTCK cũng khó có thể tiến hành các hoạt động của một nhà tạo lập thị trường.
“Để CTCK đảm đương tốt vai trò của nhà tạo lập thị trường thì chi phí hoạt động phải hợp lý, việc vay mượn chứng khoán cần thông thoáng và thuận lợi.
Thế nhưng, hiện tại, việc mua bán, vay mượn chứng khoán vừa khó thực hiện, vừa có chi phí cao, nên nhà tạo lập thị trường không mặn mà tham gia…
Trong khi đó, để thị trường giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP hoạt động hiệu quả thì không thể thiếu vắng vai trò của thành viên này…”, ông Giang nhấn mạnh.
Để giải quyết những thách thức trên, ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng, cần mở cửa và khuyến khích các ngân hàng tham gia với tư cách là nhà tạo lập thị trường. Điều này không chỉ tạo độ sâu cho thị trường giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP, mà còn gia tăng sức hấp dẫn, thu hút nhiều ngân hàng tham gia giao dịch sản phẩm phái sinh thứ hai này.
Giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP qua CTCK: Dễ phát sinh
rủi ro
“Với quy định hiện hành, việc các ngân hàng thương mại phải giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP thông qua mở tài khoản như các nhà đầu tư khác tại CTCK, mà không được trực tiếp bù trừ, thanh toán qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) sẽ phát sinh không ít vướng mắc, rủi ro…”, lãnh đạo một ngân hàng quan ngại.
Theo đó, các ngân hàng thương mại thường giao dịch với lệnh có giá trị lớn, nhưng lại không được là thành viên giao dịch trực tiếp với VSD để bù trừ, thanh toán cho giao dịch của họ, nên sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động trong giao dịch.
“Việc ngân hàng thương mại chưa được cấp phép hoạt động thanh toán, bù trừ trực tiếp với VSD sẽ gây khó cho hoạt động tham gia TTCK phái sinh của các tổ chức tín dụng.
Phải giao dịch qua CTCK với các ngân hàng còn tạo nên những mối lo về bảo mật thông tin. Đó là chưa kể với các lệnh có giá trị lớn, việc giao dịch qua CTCK còn gây nên rủi ro về tốc độ xử lý lệnh.
Qua trực tiếp kiểm tra hệ thống, chúng tôi nhận thấy, có rủi ro trong việc kiểm soát các lệnh khớp...”, ông Trần Kiều Hưng, Trưởng Phòng Tự doanh, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết.
Một vướng mắc khác mà các ngân hàng đặt ra là các tổ chức tín dụng đang cho CTCK vay vốn để đầu tư chứng khoán, nhưng nay chính ngân hàng tham gia đầu tư trên TTCK phái sinh thì giới hạn cho vay vốn sẽ như thế nào?
Các ngân hàng có thể mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh ở các CTCK, nhưng điều này nếu không có hướng dẫn cụ thể thì có thể gây ra rủi ro cho các bên…
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thương, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính và Ủy ban đã lên kế hoạch làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành viên tham gia thị trường, trong đó có việc để các ngân hàng được thực hiện bù trừ, thanh toán cho giao dịch phái sinh TPCP…
Cần có hệ thống chính sách đồng bộ, khả thi cho nhà tạo lập thị trường
Nhiều năm làm việc ở Singapore, tôi nhận thấy, ban đầu khi xây dựng thị trường phái sinh, họ cũng hy vọng các ngân hàng sẽ tích cực tham gia TTCK phái sinh.
Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro không cao, nên ngân hàng chẳng mấy mặn mà tham gia, do đó chẳng thể phát huy hết vai trò của nhà tạo lập thị trường.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chỉ mua và nắm giữ một lượng Hợp đồng tương lai TPCP rất hạn chế, còn các quỹ đầu tư cũng không có nhiều nhu cầu phòng vệ rủi ro.
Chính vì mất nhiều, được ít, thậm chí không có lãi, nên nhà tạo lập không mặn mà tham gia thị trường và hệ quả là thị trường kém thanh khoản…
Một trong những vai trò quan trọng nhất của nhà tạo lập thị trường là đảm bảo giữ và cải thiện thanh khoản cho thị trường, nên các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cần có hệ thống chính sách đồng bộ, khả thi, để vừa tạo thuận lợi, vừa khuyến khích họ tham gia.
Ông Phạm Phú Khôi - Trưởng Ban Đào tạo và sự kiện, VBMA
Để giúp thị trường phát triển ổn định, CTCK phải nắm giữ lượng lớn TPCP
Tại Nhật Bản, xét về cơ cấu nhà đầu tư, năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài chiếm thị phần giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP 10 năm lớn nhất, chiếm tỷ trọng 55%, tiếp đến là các CTCK với 32%, ngân hàng thương mại là 12% và nhà đầu tư khác là 1%. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ phòng ngừa rủi ro…
Với vai trò là đại lý sơ cấp, hoạt động kinh doanh của CTCK tập trung vào mua TPCP trực tiếp từ chính phủ và bán lại cho các bên thứ cấp, đồng thời CTCK giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường tương lai và thị trường cơ sở.
CTCK phòng ngừa rủi ro thay đổi trên đường cong lãi suất bằng cách bán Hợp đồng tương lai TPCP và mua lại tại thời điểm bán. Các cơ chế đồng bộ này cho phép CTCK nắm giữ lượng lớn TPCP, qua đó giúp phát triển ổn định cả thị trường TPCP sơ cấp lẫn thứ cấp…
Ông Ryosuke Ito, Phòng Kế hoạch thị trường, Sở GDCK Osaka, thuộc Sở GDCK Nhật Bản