Cụ thể, Jeff Schwarte hiện nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu Apple từ năm 2004 cho đến nay. 8 năm sau đó, vào khoảng giữa 2012, Schwarte vẫn khá ung dung khi những chuyên gia cố vấn của ông đang giữ kỳ vọng cao về tốc độ tăng trưởng của Apple. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng ngược lại kể từ đầu năm 2014 khi các thuật toán trong mô hình phân tích định lượng của Schwarte đã cảnh báo rằng lợi nhuận của Apple đang bị thu hẹp lại.
Trong khi Schwarte đang cân nhắc về bằng chứng nêu trên thì ông nhận được email từ Công ty tư vấn tài chính Cobot Research liên quan đến cổ phần của ông trong Tập đoàn Apple. Cobot Research là đơn vị tư vấn được công ty Principal Funds của Schwarte thuê làm nhiệm vụ phân tích danh mục đầu tư và các ngành nghề đang nắm giữ về những sai sót có thể xảy ra. Không rõ nội dung bên trong bức thư là gì nhưng một thời gian ngắn sau đó, Schwarte đã tiến hành cắt giảm một số cổ phần của ông trong Apple.
“Những mô hình của chúng tôi còn nhận biết vấn đề nhanh hơn những chuyên gia cố vấn”, Schwarte nói.
Trên thực tế, kể từ thời điểm 30/6/2012, cổ phiếu Apple giảm 7% từ 584 USD/cổ phiếu xuống còn 543 USD/cổ phiếu trong khi chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 39%.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, quan niệm về hành vi cư xử phi lý của nhà đầu tư đã trở thành điều hiển nhiên. Gây tranh cãi hơn hết là liệu các nhà quản lý tiền có thể tránh khỏi việc gây ra những sai lầm của việc đầu tư hàng loạt hay không?
Đầu tư theo cảm xúc là chuyện phổ biến nhất giữa những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Không hối hận
“Đầu tư theo cảm xúc là chuyện phổ biến nhất giữa những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thường xảy ra ở một trong 4 danh mục đầu tư”, Michael Ervolini, CEO của Cabot nói.
Đôi khi, đó là thời điểm những nhà quản lý tìm thấy cơ hội đầu tư tiềm năng nhưng không dám mua quá nhiều vì lo sợ thất bại. Họ chừa cho mình một lối thoát phía sau nếu họ sai để không phạm phải những luyến tiếc lớn. Đây được gọi là ác cảm với sự hối tiếc và thường xảy ra trung bình 1 trong 6 nhà quản lý.
Trái lại, theo Cabot, những nhà đầu tư cá nhân thường rơi vào tâm lý ác cảm với sự mất mát hoặc là liên tục trở thành những kẻ thất bại. Cảm xúc phía sau sự ác cảm mất mát đó rất dễ nhận biết, đó là nỗi đau đớn khi phải thừa nhận rằng mình đã gây ra lỗi. Thay vì bản thân nên nhận thức được điều đó thì người ta cứ khăng khăng với niềm hy vọng rằng sự việc có thể được phục hồi.
Thực tế cho thấy những nhà quản lý thường bị kích thích phải loại bỏ danh mục đầu tư thất bại nhanh hơn những nhà đầu tư cá nhân vì khi họ báo cáo những khoản nắm giữ cho cổ đông, họ sẽ phải đối chất với cổ đông về những nguy cơ thất bại tiềm ẩn.
“Nhà đầu tư thường trở thành nạn nhân của sự ngộ nhận. Họ tin rằng công ty tốt cũng đồng nghĩa với cổ phiếu tốt và ngược lại. Theo định nghĩa tài chính, điều này được gọi là tính chất đại diện”, Dennis Ruhl, Giám đốc đầu tư lĩnh vực U.S. Equity Behavioral Finance của J.P.Morgan nói.
Theo Dennis Ruhl, định nghĩa đó hoàn toàn là một sự sai lầm. 2 phạm trù công ty tốt – cổ phiếu tốt có thể song hành cùng nhau khi bạn đưa ra mức giá phù hợp cho nó. Tuy nhiên, trên thực tế, một công ty tốt thường được định giá quá cao và đôi khi bạn nên đầu tư vào một công ty vừa chừng hơn với mức giá rẻ hơn.
Dennis Ruhl đã lấy cổ phiếu của nhà sản xuất máy tính và máy in Hewlett-Packard làm ví dụ để minh họa cho câu nói của mình. Theo đó, vào năm 2012, cổ phiếu của Hewlett-Packard cực kỳ rẻ bởi thời điểm đó công ty đang đối mặt với những thách thức lớn. Nhiều nhà đầu tư thậm chí cho rằng cổ phiếu đó không đáng một xu. Nhưng trong khi các nhà đầu tư vẫn đang phân vân liệu giá trị cổ phiếu đã chạm đáy hay chưa thì đến năm 2013, cổ phiếu Hewlett đã tăng nhảy vọt hơn 100% .
Đánh giá ngang hàng
Tuy nhiên, theo Ruhl, điều đó không đồng nghĩa là không có bất kỳ sự thiên vị nào. Song, để tránh việc đầu tư thiên vị, những chuyên gia phân tích đòi hỏi phải có sự đánh giá khách quan và ngang hàng. Đồng thời, trong khi Ruhl và các chuyên gia xem xét khía cạnh cá nhân của một công ty, về triển vọng doanh thu trong tương lai, thì những mô hình phân tích định lượng là nhân tố đưa ra quyết định cuối cùng.
Mô hình phân tích định lượng là một công cụ đầu tư mang lại lợi nhuận vượt trội. “Danh mục của chúng tôi là những thứ liên quan nhiều đến toán học, khoa học và kỹ thuật. Có rất ít những hành vi chủ quan can thiệp vào đó.” Gregg S. Fisher, Giám đốc đầu tư của nhà quản lý tiền Gerstein Fisher ở New York nói.
Vây ai là người thiết kế những mô hình định lượng? Liệu bản thân thiết kế đó có tiềm ẩn một số những ưu tiên nhất định?
Mọi mô hình định lượng đều gắn liền với một vài nhân tố như là đà giá trị hay hiệu ứng. Bạn có thể thuyết phục bản thân rằng vẫn đang tồn tại những lý thuyết kinh tế hoặc hành vi để hoạt động chúng. Nhưng trên thực tế, có ai đó đã tự tìm ra mô hình và không hề có bất cứ lời giải thích nào đằng sau đó. Nó không giống như định luật vật lý”, Harin de Silva, Chủ tịch của cửa hàng mô hình phân tích định lượng ở Los Angeles Analytic Investors nói.