Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Toàn

Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Toàn

Nhà ở xã hội thêm sinh khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường nhà ở xã hội bắt đầu có biến chuyển khi nhiều dự án chuẩn bị được khởi công bởi các doanh nghiệp tư nhân, nhưng để phân khúc nhà ở quan trọng này thực sự khơi thông, cần sớm tháo gỡ các nút thắt về nguồn lực và chính sách hỗ trợ.

Dấu ấn dòng vốn tư nhân

Sau khi gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 được khởi động, chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp được khởi công xây dựng, với tổng số căn hộ khoảng 23.965 căn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam...

Đơn cử, đầu tháng 2/2022, Tổng công ty Viglacera đã khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án sẽ cung cấp 2.000 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia làm việc tại khu công nghiệp này.

Ngoài ra, chủ đầu tư này cũng tự bỏ vốn xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh, với quy mô khoảng 1.000 căn hộ cho công nhân và 72 căn nhà thấp tầng cho chuyên gia. Giá bán các căn hộ nhà ở công nhân, theo chia sẻ của chủ đầu tư, vào khoảng 7,1 triệu đồng/m2.

Tại tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC vừa khởi động xây dựng một loạt dự án nhà ở xã hội tại những khu vực tập trung nhiều công nhân như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng…

Dự kiến từ nay đến năm 2023, Becamex IDC sẽ đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng để xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (TP. Thuận An), Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một), Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) và Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng).

Để người lao động có nhiều sự lựa chọn, Becamex IDC đưa ra nhiều loại hình sản phẩm, giá bán dao động từ 120-500 triệu đồng/căn, loại căn hộ cho thuê có giá 750.000 đồng/căn/tháng.

Tại TP.HCM, Sở Xây dựng vừa trình UBND Thành phố kế hoạch tổ chức lễ động thổ, khởi công các công trình, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng căn hộ dự kiến là hơn 1.300 căn.

Cụ thể, vào ngày 25/4/2022 tới sẽ động thổ dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân, người lao động làm việc tại khu chế xuất và khu công nghiệp phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, trong đó dự án tại Khu chế xuất Linh Trung II có diện tích đất hơn 5.000 mét vuông, quy mô 360 căn hộ.

Hai ngày sau đó, Thành phố sẽ khởi công chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu nhà ở Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức. Cả 2 dự án này sẽ cung cấp ra thị trường hơn 900 căn hộ.

Tại Hà Nội, sau khi khai trường nhà mẫu thuộc dự án nhà ở xã hội ở khu vực Mai Động, Hai Bà Trưng hồi giữa tháng 4, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group cho biết, tập đoàn này dự kiến xây tới 10.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay.

Chiều ngày 21/4/2022, tại Duy Tiên Hà Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã khởi công xây dựng dự án quy mô gần 600 căn nhà ở xã hội với giá chỉ từ 380 triệu đồng/căn.

Cần sớm khơi thông chính sách và nguồn lực

Việc dòng vốn tư nhân đổ mạnh vào các dự án nhà ở xã hội là một tín hiệu vui cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng phát triển loại hình nhà ở này, từ đó gia tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền vốn đang vô cùng khan hiếm trên thị trường. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là sớm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành - doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội cho biết, hiện nay, lợi nhuận của các dự án nhà ở hội chỉ khoảng 10-15%, thấp hơn đáng kể so với các dự án nhà ở thương mại, trong khi từ lúc triển khai tới khi hoàn thành một dự án nhà ở xã hội phải cần tối thiểu 5 năm. Như vậy, nếu chia mỗi năm thì lợi nhuận bình quân chỉ đạt 2%/năm, thấp hơn tiền gửi ngân hàng, nên rất ít doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội.

Theo ông Nghĩa, khi tham gia phát triển nhà ở xã hội, các chủ đầu tư thường quan tâm đến thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi của Nhà nước… để giảm giá thành sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người lao động. Thế nhưng, hiện nay, thủ tục xin thực hiện dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc do các quy định pháp luật còn “vênh nhau”.

“Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 cho phép doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được giảm 70% thuế giá trị gia tăng, nhưng pháp luật về thuế lại chưa có quy định này khiến các doanh nghiệp gặp không ít trở ngại”, ông Nghĩa nêu dẫn chứng.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp quan tâm phát triển dự án nhà ở xã hội tại những khu vực tập trung đông công nhân như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…, nhưng việc tiếp cận lại không thuận lợi, đa phần dự án đầu tư nhà ở xã hội đều kém hiệu quả, việc quyết toán dự án cũng rất khó khăn.

“Tương tự các dự án nhà ở thương mại, khi thực hiện thủ tục pháp lý cho nhà ở xã hội, chủ đầu tư không thể bỏ qua bất cứ mắt xích nào, vấn đề là thời gian giải quyết trong bao lâu, như một dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương, dù được ủng hộ nhưng chúng tôi phải mất đến 2,5 năm mới hoàn tất thủ tục đầu tư”, ông Phúc nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp rất muốn nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện pháp lý dự án.

Ngoài thủ tục hành chính, nguồn vốn cũng là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Dẫn lại “nỗi khổ” của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội trước đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, dự án còn chưa hoàn thành thì gói hỗ trợ đã hết hiệu lực, người dân không còn được vay vốn nên khi doanh nghiệp làm xong nhà cũng không ai mua.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, từ đó dẫn đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này, ông Hà kiến nghị, cần sớm giải quyết các nút thắt về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối, bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà, giá bán…, tất cả đều do Nhà nước quyết định.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tập trung tháo gỡ 2 vướng mắc chính để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội.

Đầu tiên là sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan. Hiện tại, Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh, thế nhưng pháp luật về thuế lại chưa đề cập đến nội dung này, dẫn đến vướng mắc trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó là xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, tức là xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tiếp đến là đẩy nhanh quá trình làm việc với chính quyền các địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP,trong đó yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại để tìm kiếm thêm quỹ đất, tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.

Tin bài liên quan