Nhà ở xã hội le lói điểm sáng

Nhà ở xã hội le lói điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
Phân khúc nhà ở xã hội đang le lói điểm sáng với việc một số dự án quy mô lớn được các địa phương khởi công xây dựng, cùng sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn.

Tín hiệu tích cực

Thông tin về việc CTCP Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội với Tập đoàn Hoàng Quân đang thu hút được sự quan tâm lớn.

Theo thỏa thuận này, Novaland và Công ty Hoàng Quân sẽ đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện có để hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long...

Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Vinhomes, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC, Nam Long, TTC Land và một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lên đến hàng chục ngàn căn.

Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thì chính quyền địa phương cũng vào cuộc để phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, mới đây, Sở Xây dựng ký kết với các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, khởi động Dự án nhà ở xã hội tại số 52 - đường Nguyễn Văn Tỏ (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa).

Đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn tại Đồng Nai, với diện tích 1,41 ha, quy mô 1.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Chương Dương - Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Asia - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đỉnh Việt đầu tư, dự kiến bàn giao nhà vào tháng 8/2025.

Hiện tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu xây dựng được 10.000 căn trong giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2030, xây dựng được ít nhất 50.000 căn nhà ở xã hội.

Còn tại Tây Ninh, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2030 sẽ hoàn thành 11.900 căn nhà ở xã hội. Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tập trung xây dựng hoàn thành 5.000 căn cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án 1.441 căn nhà ở xã hội Thành phố Vàng, 99 căn Khu dân cư Vạn Phát Hưng và 302 căn ký túc xá công nhân thuộc Công ty TNHH Jinyu Việt Nam.

Ngoài ra, Tây Ninh cũng thu hút đầu tư xây dựng 1.167 căn nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị được dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Cần cơ chế gỡ vướng

Dù đón nhận tín hiệu tích cực, nhưng để phân khúc này phát triển đồng đều tại các địa phương thì cần có thêm những cơ chế gỡ vướng.

Tại TP.HCM, do vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, pháp lý, nên 8 dự án nhà ở xã hội với 25.880 căn hộ vẫn chưa thể khởi công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục pháp lý, sớm khởi công các dự án, đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, pháp lý.

Một nút thắt nữa khiến phân khúc nhà ở xã hội chưa thể phát triển rộng rãi chính là quỹ đất. Nếu không có quỹ đất phù hợp, dự án nhà ở xã hội dù được xây dựng xong cũng khó thu hút người dân về ở. Trường hợp xảy ra tại Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Dù đã mở bán từ năm 2015 đến nay, nhưng vẫn ế. Trong khi đó, Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, thậm chí, nhiều người phải xếp hàng đợi từ 2 giờ sáng để nộp hồ sơ.

Nêu giải pháp để tháo gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở và công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM cũng kiến nghị, Nhà nước phải có một cơ quan, một bộ máy chuyên làm nhà ở xã hội để chuẩn bị các khâu tìm quỹ đất, phát triển, xây dựng, bán, quản lý... Từ đó, doanh nghiệp nào muốn tham gia sẽ phải đấu thầu để đưa ra giải pháp tốt nhất. Nếu vẫn duy trì cách làm như hiện nay, với cơ chế còn nhiều rào cản, thì mục tiêu đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2023 rất khó để thực hiện.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, vướng mắc lớn nhất khiến doanh nghiệp “ngại” làm nhà ở xã hội là vấn đề về vốn.

Được biết, mặc dù chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mức lãi suất 8%/năm, song, thực tế không dễ vay được gói này. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 3 ngân hàng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn, với số tiền đã giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội tại 7 tỉnh, thành phố khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1% của gói.

Ông Nghĩa cho hay, các dự án của Công ty Lê Thành đang vay ngân hàng với lãi suất 13%/năm, rất khó kiếm được ngân hàng nào cho vay với lãi suất dưới 10%/năm.

“Ngoài vấn đề về vốn, Nhà nước phải rút ngắn các quy trình thủ tục, gỡ nhanh các điểm vướng ở từng quy trình. Khi đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia”, ông Nghĩa nói.

Đầu tuần này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc về Dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…

Tin bài liên quan