Tương tự Hà Nội và nhiều thành phố khác, việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đang vướng rất nhiều rào cản, rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
“Qua giám sát, có thể nhận thấy khả năng hoàn thành chỉ tiêu là rất thấp, khó khả thi”, Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2025 của Đoàn giám sát HĐND Thành phố trình bày tại phiên giám sát chuyên đề mới đây về thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng khẳng định như vậy.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 2,5 triệu mét vuông sàn xây dựng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ, song đến đầu quý III/2023 mới đạt trên 1,31% so với chỉ tiêu đề ra. Có nghĩa, trong thời gian còn lại, Thành phố cần phát triển thêm hơn 2,46 triệu mét vuông sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Trong Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, TP.HCM được giao đến năm 2030 cần hoàn thành 69.700 căn, theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 26.200 căn, giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành 43.500 căn.
Với những vướng mắc hiện tại và nhất là thời gian cũng không phải quá dài, khả năng hoàn thành mục tiêu trên là rất bấp bênh.
Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc một số dự án được phê duyệt, nhưng vướng thủ tục pháp lý, bế tắc trong giải phóng mặt bằng, 20% đất của dự án nhà ở thương mại dành cho nhà ở xã hội không khai thác được vì thủ tục nhiêu khê… Thậm chí, dù nhu cầu về nhà ở xã hội cho mua, thuê mua hoặc thuê trên địa bàn Thành phố là rất lớn, nhưng hiện tồn tại một nghịch lý là dự án “khát” khách. Điển hình là Dự án Nhà ở xã hội cho công nhân thuê, quy mô 1.040 căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức). Dự án này dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2024, nhưng số lượng hồ sơ đạt yêu cầu rất ít, chỉ vài chục trường hợp.
Thực trạng trên cho thấy, không chỉ TP.HCM, mà cả Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội nếu không có những thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận, phát triển dự án nhà ở xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp tháo gỡ một phần vướng mắc trên thị trường nhà đất, trong đó có dự án nhà ở xã hội. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kể từ khi có Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014, thì Luật Nhà ở mới được Quốc hội thông qua là luật có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.
Theo luật này, các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất khác tương đương hoặc đóng tiền tương đương. Đối với các đô thị khác, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để quy định tiêu chí đối với dự án nhà ở thương mại phải dành xây dựng nhà ở xã hội.
Quy định trên rất sát với thực tiễn, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực từ tất cả chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại để tham gia phát triển nhà ở xã hội. Quy định còn khắc phục được các bất cập của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100 trước đây.
Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua cũng bãi bỏ điều kiện cư trú với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, trút bỏ gánh nặng bao lâu nay với người mua và cả người bán.
Cần phải nhắc lại rằng, luật hiện hành quy định điều kiện cho người dân mua nhà ở xã hội gồm xác nhận cư trú, xác nhận có nhà hay không và xác nhận thu nhập. Trong 3 thủ tục trên, hiện đã bỏ được thủ tục xác nhận cư trú, song vẫn còn tồn tại 2 thủ tục khác là xác nhận về nhà ở và thu nhập.
Đó là chưa kể một trở ngại lớn, đó là ngay cả khi luật mới có hiệu lực vào đầu năm 2025, thì quy trình theo luật cũ vẫn gây khó cho người dân. Vì vậy, cần tiếp tục tháo bãi bỏ những quy định còn bất cập, giúp người mua tiếp cận nhà ở xã hội thuận lợi hơn; người bán cũng không phải lo lắng về hàng tồn kho.
Muốn giải quyết vấn đề trên, trước mắt, TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh đầu tư, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường. Tựu trung, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, cũng như mục tiêu phát triển nhà ở xã hội ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác chỉ đạt được khi chính sách ban hành sát với thực tiễn, có thể gỡ khó cho cả bên bán lẫn bên mua.