Nguy cơ cháy, nổ cao
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC), trên cả nước hiện nay có 22 triệu nhà ở hộ gia đình. Trong đó, ước tính khoảng 20% hộ gia đình có nhà vừa ở vừa kết hợp sản xuất - kinh doanh, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, khu đông dân cư. Ngoài ra, còn có khoảng 300 khu công nghiệp đi vào hoạt động với nhiều loại hình sản xuất có quy mô lớn.
Theo thống kê từ 7/2014 - 7/2018, trên cả nước đã xảy ra 1.138 vụ cháy tại các cơ sở là nhà xưởng sản xuất, làm chết 39 người, bị thương 153 người, thiệt hại ước tính 2.452 tỷ đồng. Còn đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đã xảy ra 159 vụ cháy, làm chết 36 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản ước tính 57 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng từ ngày 16/3 đến 15/4/2019, cả nước đã xảy ra 316 vụ cháy, làm chết 12 người, bị thương 15 người, tài sản thiệt hại ước tính 110,03 tỷ đồng; 4 vụ nổ, làm chết 2 người, bị thương 2 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 10 vụ cháy, thiêu rụi hơn 3,6 tỷ đồng và cứ khoảng 2 ngày thì có 1 người chết và 1 người bị thương do cháy. Những con số thống kê trên khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC cho biết, tình hình cháy nổ đối với những cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, công tác PCCC của các cơ quan chức năng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nhiều vụ cháy đã xảy ra tại các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh
Bởi các nhà xưởng sản xuất đều có nhiều máy móc, thiết bị điện và vật liệu dễ cháy. Chưa kể, các nhà xưởng sản xuất được thiết kế xây dựng chưa đạt chuẩn, nên việc trang bị hệ thống báo cháy tự động còn nhiều khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.
Còn đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, một trong những vấn đề nổi cộm nhất là khả năng phát hiện đám chạy chậm, nên thời gian cháy tự do kéo dài. Việc tổ chức cứu người cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Các phương tiện chữa cháy cũng gặp cản trở vì giao thông chật hẹp, kết cấu hầu hết là nhà liền nhau nên việc phá dỡ công trình gặp nhiều khó khăn, nguồn nước chữa cháy tại khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu...
Đồng quan điểm, thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình, trong đó có hơn 294.000 hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ.
Tình hình cháy nổ trong thời gian qua ở các hộ gia đình có kết hợp kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 50%. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm do người dân chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... không xử lý kịp thời khiến cháy lan, cháy rộng.
Qua điều tra về các vụ cháy nổ ở khu dân cư, thượng tá Tâm nhận thấy, có 3 nhóm nguyên nhân chính như: ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình; do vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng.
Đặc biệt, nhiều gia đình sắp xếp hàng hóa dễ cháy với một lượng lớn tại các lối đi, cũng như không có lối thoát nạn dự phòng, không có hệ thống báo cháy tự động nên không phát hiện đám cháy kịp thời nên xảy ra cháy lớn. Đồng thời, các chủ nhà cũng không trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu, hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng và chất lượng...
Cần được luật hóa
Chia sẻ kinh nghiệm về việc PCCC tại các tòa nhà đa công năng, ông Yasuaki Shimamura, chuyên gia tiêu chuẩn quốc tế, Cơ quan Quản lý thảm họa Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, từ năm 2000 trở về trước, những vụ cháy thường xảy ra tại các khách sạn, cửa hàng bách hóa. Còn từ năm 2000 trở về sau, các vụ cháy thường xảy ra tại các công trình có quy mô nhỏ hay các công trình phúc lợi.
Giải pháp đưa ra đối với những vụ cháy xảy ra trước năm 2000 là lắp đặt các vòi phun và hệ thống báo cháy tự động. Còn với những vụ cháy xảy ra gần đây, phải tăng cường việc lắp đặt các thiết bị vòi phun và báo cháy tự động đến nhiều đối tượng công trình, đặc biệt là các công trình phúc lợi xã hội, nơi thường xuyên tập trung nhiều người.
Đối với những công trình quy mô nhỏ, sau khi xây dựng xong sẽ lắp đặt các trang thiết bị thoát nạn như thang dây, để đảm bảo công tác thoát nạn khi xảy ra vụ cháy. Đặc biệt, các công trình kiến trúc có nhiều người sử dụng, Nhật Bản tập trung chú ý đến việc bố trí thiết bị PCCC hay các thiết bị cảm biến hoặc sử dụng các vật khó bắt lửa.
“Sau vụ cháy rất lớn xảy ra vào năm 2001 tại một tòa nhà đa năng ở Thủ đô Tokyo, khiến nhiều người chết do bị mắc kẹt, Cục PCCC tại Nhật Bản đã tổ chức kiểm tra các công trình kiến trúc có khả năng nguy cơ cháy cao trên toàn quốc. Kết quả là có hơn 90% trường hợp vi phạm liên quan đến PCCC. Lúc đó, chúng tôi đưa ra một số giải pháp là khắc phục triệt để các vấn đề liên quan đến PCCC tại các công trình vi phạm, thực hiện triệt để công tác quản lý PCCC tại các công trình, thực hiện báo cáo định kỳ, tăng cường các tiêu chuẩn về lắp đặt các thiết bị thoát hiểm…”, ông Yasuaki Shimamura nói.
Chia sẻ về vấn đề này, thượng tá Tâm cho biết, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh tại các nước rất được chính quyền quan tâm và được luật hóa, nên việc lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC là điều bắt buộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa được quy định rõ ràng, chưa được luật hóa, nên các hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh chưa chú trọng việc này.
Cụ thể, hạn chế trong công tác PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là do chưa đưa ra được quy định điều chỉnh đối với các đối tượng nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, chưa bắt buộc áp dụng thực hiện. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý của lực lượng chức năng.
Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vàng mã... Nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, thuộc về UBND các cấp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý nhà nước trong PCCC và hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với các đối tượng này của UBND các cấp còn buông lỏng, chưa được chú trọng.
“Đây là bất cập lớn nhất trong nhiều năm qua. Chúng ta đã buông lỏng quản lý nhà nước về PCCC nên đã dẫn tới nguy cơ cháy, nổ cao tại các khu dân cư”, thượng tá Tâm nhấn mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com