Cầu lớn
Suốt cả năm vừa rồi, vợ chồng chị Lê Thanh Huyền tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chạy đôn chạy đáo để tìm mua căn hộ có giá trị trên dưới 800 triệu đồng. Hai vợ chồng chị đã đi xem trên dưới 10 dự án chung cư, vài chục căn hộ tập thể cũ, nhưng kết quả đều không được như ý muốn.
Hồi tháng 4, khi nghe tin một dự án căn hộ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ được mở bán với giá hợp lý, hai vợ chồng chị quyết định phục để có được một suất tại đây. Tuy nhiên, đến lúc chủ đầu tư mở bán, thì chị lại không đăng ký kịp. Tìm hiểu qua "cò" thì được biết, thực tế các căn gần như đã được phân phối hết trước cả thời điểm mở bán và giờ chỉ có thể mua lại các “suất ngoại giao” với giá chênh lên tới gần 100 triệu đồng/căn.
Trường hợp của gia đình chị Huyền không phải cá biệt, vợ chồng chị Ngô Thanh Hoa cưới nhau được gần 4 năm và đang phải đi thuê trọ. Cũng có ý định mua nhà từ lâu, nhưng chưa thu xếp được tài chính ngay một lúc, nên chị Hoa vẫn lưỡng lự. Tháng 6 vừa qua, nghe tin sẽ có một dự án ở Hà Đông được bán với giá trên 14 triệu đồng/m2, được thanh toán theo kiểu trả góp, gia đình chị quyết định vay ngân hàng để mua. Thế nhưng, chị Hoa cho biết, để mua được căn hộ như ý muốn, chị phải mất 20 - 30 triệu đồng tiền chênh cho “cò”.
Cũng trăn trở từ lâu để có được một căn nhà ở Hà Nội, vợ chồng anh Lưu Trung Đức đang ở trọ khu vực chùa Láng vào cuộc săn lùng căn hộ có giá trên dưới 700 triệu đồng từ đầu năm. Anh chia sẻ, đã đi xem rất nhiều căn hộ ở những dự án được quảng cáo là giảm giá, nhưng chủ yếu là khuyến mại thông qua việc tặng nội thất, ô tô hoặc tài trợ lãi suất...
“Tính ra, tiền mua một căn hộ cũng không giảm được là bao. Đối với những người mua nhà có tài chính eo hẹp thì những 'chiêu' đó không hấp dẫn bằng việc giảm giá trực tiếp căn hộ”, anh Đức chia sẻ.
Làm không dễ
Hiện nay, khi thị trường nhiều chủ đầu tư đang quá tập trung vào phát triển dự án cao cấp, trong khi ngó lơ phân khúc mà nhu cầu chiếm tới khoảng 70% tổng nhu cầu thị trường. Đây là điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại thị trường đang phát triển thiếu bền vững.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng ở Hà Nội chắc chắn được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc này đang khá khan hiếm.
Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, đơn vị đang triển khai các dự án cho giới trẻ cho biết, năm 2016, thị trường bất động sản vẫn có thanh khoản ổn định, trong đó phân khúc căn hộ có giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng sẽ có thanh khoản tốt do đáp ứng nhu cầu thực, còn những dự án có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ gặp cạnh tranh rất lớn và có thể có mãi lực chậm lại.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, dù phân khúc nhà hợp túi tiền đang có nhu cầu rất cao, nhưng làm được phân khúc này rất khó, vì tìm được quỹ đất phù hợp là không dễ dàng. Các khu đất ở trung tâm thì không làm được, vì giá quá cao. Do vậy, cần phải có sự chuẩn bị công phu và dài hạn mới thực hiện đầu tư được tại phân khúc này.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở bình dân cho người thu nhập thấp, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh và đưa ra thêm những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng ký mới. Có như vậy, phân khúc nhà cho người thu nhập thấp mới có cơ hội phát triển.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com