Chưa quyết đượcgiá thuê, mua
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, thành phố đã chấp thuận cho phép khởi công cũng như đã và đang triển khai các thủ tục 11 dự án nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội diện tích khoảng 21 héc-ta, với 11.714 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 39.645 người. Ngoài 1 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện có 4 dự án đã khởi công xây dựng, với tổng số 3.298 căn hộ tại các khu Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên); Đặng Xá (Gia Lâm ); 6 dự án đang trong quá trình hoàn thành thủ tục đầu tư để chuẩn bị khởi công trong thời gian tới, với tổng số 8.316 căn hộ.
Cả hai dự án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê tại khu Khu ĐTM Việt Hưng (quận Long Biên), khu CT19 (515 căn hộ) và CT21 (300 căn hộ), đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Nhưng vấn đề đang nảy sinh, cần tháo gỡ là giá thuê, mua nhà ở xã hội và giá bán nhà thu nhập thấp. Cụ thể, đối với dự án xây dựng nhà thí điểm nhà ở xã hội cho thuê mua tại CT21, thành phố đã duyệt danh sách 52 hộ gia đình có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở được thuê, mua nhà tại đây. Số căn hộ còn lại cho đến nay chưa có chỉ tiêu cụ thể. Mặc dù, Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội cấp thành phố đã họp để thống nhất trình UBND TP giao chỉ tiêu thuê, mua số căn hộ còn lại tại dự án cho cán bộ công chức, song thành phố vẫn chưa quyết giá thuê, mua nhà tại khu CT21 là bao nhiêu, để Sở Xây dựng triển khai bán.
Nhà đầu tư “đòi” cơ chế hỗ trợ
Bà Tô Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội cho rằng, để triển khai tốt chủ trương này, cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư để giảm giá bán nhà.
Theo bà Hạnh, việc triển khai nhà cho người có thu nhập thấp, hay nhà ở xã hội tại khu Việt Hưng hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc. Nếu thuê mua 20 năm, nhà đầu tư sẽ không đạt hiệu quả lợi nhuận 10% và hệ số thu hồi nợ, lãi vay. Theo tính toán, nếu người mua trả dần trong vòng 10 năm, giá bán sẽ là 15 triệu đồng/m2, nếu 20 năm, mức giá khoảng 18 - 19 triệu đồng/m2. Nếu thành phố hỗ trợ 100% lãi suất thì giá bán chỉ còn 11 - 12 triệu đồng/m2. "Đây là cách tính bảo đảm nhà đầu tư đạt hiệu quả lợi nhuận" - bà Hạnh nói.
Tuy nhiên, theo đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, đặt mức giá 15 triệu/m2 trả trong vòng 10 năm thì chắc chắn thành phố sẽ không đồng ý. Để hạ giá bán, thành phố cần hỗ trợ lãi vay trong quá trình thi công; chi phí hạ tầng trong và ngoài khu nhà, thành phố mua và quản lý tầng 1… Nếu được chấp thuận thì mức giá chỉ còn khoảng 7,9 triệu đồng/m2 (chưa tính phí bảo trì, lãi bảo toàn vốn, thuế VAT…).
Cùng chung quan điểm trên, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính phân tích: Ví dụ, khu nhà CT21 đã được xây dựng xong, tuy nhiên thủ tục quyết toán cho dự án vẫn chưa xong. Trong khi đó, Sở cần số liệu quyết toán mới tính được giá thành. Do là chương trình thí điểm, lại bán nhà cho các đối tượng thu nhập thấp, gia đình chính sách, nên Sở Tài chính đề xuất tạm tính giá hơn 7 triệu đồng/m2, nhưng toàn bộ diện tích tầng 1 sẽ do thành phố quản lý cũng như hỗ trợ thêm một số cơ chế khác.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các ngành phải tính được mức giá cơ bản, hợp lý để công bố cho người dân biết, mục tiêu là giải quyết được nhà ở cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách, xã hội. Trước mắt, đối với 4 dự án nhà cho người có thu nhập thấp đã khởi công, cần quản lý chặt chẽ hơn ngay từ đầu, kể cả những tiêu chí để tính giá đối tượng được mua nhà, khâu nhận hồ sơ có phúc tra, rà soát lại tiêu chí, phương thức phân bổ. Đối với 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư, Sở QH - KT và Sở Xây dựng cần nghiên cứu giải quyết vướng mắc về địa điểm, quy hoạch. Đối với nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội khu CT19 và CT21, Sở Tài chính làm đầu mối cùng với các sở, ngành liên quan sớm tính mức giá để tiếp tục giải quyết cho các hộ thuê, mua còn lại.