Dự án Ethanol Bình Phước hiện đã âm vốn chủ sở hữu gần 800 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.450 tỷ đồng
Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước, một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương vẫn đang ngập trong bết bát dù đã trải qua một thời gian xử lý tồn tại, yếu kém.
Nhà máy ethanol Bình Phước do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đầu tư.
Liên doanh đầu tư PVOil và Itochu đã góp vốn lập Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) để thực hiện dự án, trước khi PVOIL bán một phần vốn góp cho Licogi 16.
Theo đó, PVOil góp 29%, Itochu góp 45%, và Licogi 16 góp 22% vốn vào Công ty OBF. Đây là công trình công nghiệp nhóm A, tổng vốn đầu tư ban đầu 80,6 triệu USD, sau điều chỉnh tăng lên 84,5 triệu USD.
Hoàn thành, vận hành thương mại từ tháng 4/2012, đến tháng 4/2013, Dự án dừng sản xuất do khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra dẫn đến thua lỗ.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của dự án đã âm 790,36 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.085,46 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 1.875 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.450 tỷ đồng.
Suốt thời gian qua, việc xử lý dự án này theo giải pháp đề ra tại Đề án 1468 vẫn chưa mang lại kết quả. Cụ thể, theo Đề án 1468, có 3 phương án xử lý đối với Dự án là: Tạm dừng Nhà máy và vận hành trở lại khi thuận lợi; Cho thuê tài chính - bán tài sản hoặc khởi động, vận hành lại Nhà máy và bán/thoái vốn của PVOil.
Báo cáo mới nhất về dự án cho thấy, hiện nay, đang thực hiện theo Phương án 1 (tạm dừng Nhà máy và vận hành trở lại khi thuận lợi). Tuy nhiên, trên thực tế đã âm vốn chủ sở hữu; càng kéo dài thời gian, lỗ lũy kế, nợ ngân hàng và âm vốn chủ sở hữu sẽ ngày càng tăng lên.
Đánh giá của Chính phủ cho biết, việc triển khai theo Phương án 2 (cho thuê tài chính - bán tài sản) chưa thực hiện được do không có đối tác quan tâm, trong khi đó, việc thực hiện theo Phương án 3 (khởi động, vận hành lại Nhà máy và bán/thoái vốn của PVOil) cũng khó khăn, PVOil đã làm việc nhiều đối tác để thoái vốn nhưng không đạt kết quả. PVOil chỉ chiếm 29% vốn điều lệ nên không có quyền quyết định việc vận hành nhà máy.
Mặc dù Dự án đã sẵn sàng có thể vận hành trở lại nhưng do giá sắn tăng cao nên các cổ đông, trong đó có cổ đông nước ngoài nắm giữ cổ phần đa số (chiếm 49%) quyết định chưa vận hành Nhà máy, vì vậy, trong năm 2019 Nhà máy chưa được vận hành trở lại.
Hiện nay, các cổ đông đang bàn bạc xem xét chủ trương bàn giao tài sản cho Ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản (PVOil đã trích lập dự phòng giá trị vốn đầu tư tại OBF). Thời gian dự kiến khoảng 7 tháng tính từ thời điểm các cổ đông đồng thuận.
Hướng xử lý trong giai đoạn tới được đưa ra là giao PVN chỉ đạo PVOil phối hợp với các cổ đông liên quan để sớm quyết định và thực hiện xử lý tái cơ cấu dự án này theo đúng quan điểm và phương án xử lý đã nêu tại Quyết định 1468 hoặc đề xuất phương án khác phù hợp với quy định của pháp luật trình Ban Chỉ đạo và các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, giám sát tình hình và tiến độ xử lý đối với dự án.