Doanh nghiệp liêu xiêu, người dùng hoang mang
Không một lời báo trước, gần như cùng lúc, cả ba nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel và MobiFone đều ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ cào điện thoại cho game, truyền hình, giáo dục trực tuyến, mua bán trực tuyến và hàng loạt dịch vụ khác kể từ ngày 23 và 24/4.
Ngay lập tức, động thái này đã khiến người dùng bức xúc vì mọi phiền toái phát sinh khi mất kênh thanh toán quen thuộc, còn đối tác thì xoay xở không kịp cho các kênh thanh toán thay thế
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom tỏ ra rất bất ngờ vì các nhà mạng dừng dịch vụ, thay vì áp dụng các biện pháp để quản lý, siết chặt lại hoạt động thanh toán thẻ cào. Theo ông, nhà mạng cần có một lộ trình hợp lý, từng bước để các doanh nghiệp nội dung số (game, truyền hình, giáo dục trực tuyến…) có thể kịp thời thích ứng.
Phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp game là dễ hiểu, khi mà hình thức thanh toán bằng thẻ cào đang chiếm tới hơn 80% tổng giá trị thanh toán cho game, áp đảo chính thẻ game do các công ty game phát hành, thẻ ghi nợ và các loại thẻ khác trên thị trường.
Hàng loạt doanh nghiệp nội dung số cho biết đã bị giảm doanh thu từ 50 - 60% chỉ sau vài ngày bị ngừng kênh thanh toán bằng thẻ cào.
Chỗ cắt, chỗ… không?
Điều đáng đáng chú ý là, dù các nhà mạng đã tạm ngưng dịch vụ thanh toán bằng thẻ cào cho game nói riêng và dịch vụ nội dung số nói chung, nhưng nhiều cách thức “lách quy định” vẫn đang âm thầm được triển khai.
Anh Nguyễn Hải Tiến (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đã tìm được trên mạng hướng dẫn về việc nạp tiền thông qua tin nhắn SMS tới nhà mạng, dù rằng việc này cách rách và phức tạp hơn nhiều so với thanh toán cước MobiTV bằng thẻ cào. “Tôi phải nhắn 6 - 7 tin nhắn mới hoàn tất xong được các bước”, anh Tiến cho biết.
Tương tự, các game thủ cũng đang rỉ tai nhau cách nhắn tin tới tổng đài nhà mạng (nhiều nhất là Viettel) để mua mã thẻ game và nạp tiền vào tài khoản thẻ Garena, thẻ Gate…
Vì vậy, tuy việc thanh toán thẻ cào bị tạm ngưng với các doanh nghiệp trong nước, nhưng dường như người dùng vẫn nạp thẻ thông qua các kênh nước ngoài như quầy ứng dụng Google Play Store, hay thanh toán bằng thẻ Visa, Mastercard trên Apple Store.
Cần một chính sách hợp lý
Bình tĩnh hơn so với các doanh nghiệp nhỏ, đại diện Công ty VNG nhấn mạnh vai trò của lộ trình và “định hướng” của cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng cho kênh thanh toán bằng thẻ cào trong thời gian tới.
Vị này mong muốn việc ngưng cung cấp dịch vụ chỉ là tạm thời để các nhà mạng và cơ quan quản lý “sớm làm rõ các vấn đề”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn các chính sách liên quan đến việc quản lý thẻ viễn thông sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất, cũng như các doanh nghiệp nội dung số có thể chủ động phối hợp, nêu lên ý kiến, đề xuất của mình cho những chính sách này để đảm bảo cơ quan quản lý có thể cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đến sự cân bằng, công bằng giữa “các doanh nghiệp trong ngành và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài”.
Theo đánh giá chung, phương thức thanh toán thay thế phù hợp nhất lúc này chính là khôi phục lại các thẻ game, vốn được quy định chức năng ngay từ đầu là “phát hành để thanh toán cho game”.
Lý tưởng nhất là thẻ của doanh nghiệp nào thì chỉ thanh toán cho các game mà doanh nghiệp đó phát hành. Việc này đảm bảo rằng cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát về số lượng cũng như doanh thu của game có phép phát hành ra thị trường và khi có bất cứ vấn đề nảy sinh nào cũng có thể dễ dàng “khoanh vùng” để xử lý mà không ảnh hưởng tới toàn thị trường.
Với những doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện phát hành thẻ game riêng, giải pháp là có thể cho phép họ kết nối, sử dụng thẻ game của các công ty phát hành game lớn, có đầy đủ giấy phép game, giấy phép phân phối thẻ và giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán, cũng như có đủ năng lực về kỹ thuật, hệ thống…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có các chính sách khuyến khích người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán mới xuất hiện như ví điện tử: vừa tiện lợi, vừa minh bạch để giảm bớt sự lệ thuộc của người dân với thẻ cào điện thoại.
Việc lựa chọn một kênh thanh toán thay thế phù hợp là rất cần thiết và cấp thiết, bởi sau khi các nhà mạng tạm ngừng cho thanh toán bằng thẻ cào, dòng người dùng đổ sang sử dụng hệ thống thanh toán của nước ngoài như Google Play Store, Apple Store đã có dấu hiệu tăng mạnh. Điều này dẫn tới nguy cơ tiền sẽ bị chảy ra nước ngoài, còn các cổng thanh toán, ví điện tử, thẻ game nội địa lại thất thu.
Ngân hàng Nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng, ban hành các quy định về kênh thanh toán cho dịch vụ nội dung số (trong ngắn hạn) và chính sách thanh toán dài hạn cho ngành nội dung số, đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước được chặt chẽ, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để ngành nội dung số phát triển lành mạnh, bền vững.