Nhà kinh doanh và nhà đầu tư chứng khoán

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng về chứng khoán thường hay nhắc tới các khái niệm nhà đầu tư và nhà đầu cơ hay là “lượt sóng” để chỉ những người tham gia mua bán chứng khoán. Vậy giữ nhà đầu tư chứng khoán và nhà kinh doanh chứng khoán có điềm gì khác biệt, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ về các khái niệm nhà đầu tư chứng khoán và nhà kinh doanh chứng khoán.

Khái niệm

Các nhà kinh doanh chứng khoán là những người mua và bán chứng khoán trong thời gian ngắn từ vài ngày đến vài tháng hay cao hơn là 1 - 2 năm. Đôi khi, họ bị gọi là nhà đầu cơ hay “lướt sóng” chứng khoán.

NĐT chứng khoán là những người mua và giữ chứng khoán trong thời gian dài, từ 3 - 5 năm hoặc lâu hơn nữa, và đôi khi giữ luôn, tức là trở thành NĐT vô thời hạn.

 

Sự khác biệt

1. Nguồn gốc của lợi nhuận

Lợi nhuận của nhà kinh doanh đem lại từ chênh lệch giữa mua thấp, bán cao hoặc mượn - bán cao rồi mua - trả thấp, hay còn gọi là bán khống chứng khoán (ở Việt Nam , hiện chưa áp dụng nghiệp vụ này).

Lợi nhuận của NĐT có từ chênh lệch giữa giá thị trường, là cái họ phải trả để mua chứng khoán với giá trị nội tại, là giá trị nhận được từ chứng khoán trong tương lai, gồm cổ tức và tiền lời từ chênh lệch giữa giá bán chứng khoán và giá mua ban đầu, nếu họ bán lại chứng khoán sau khi đã nắm giữ trong thời gian dài

2. Cơ sở để ra quyết định mua/bán

Quyết định mua/bán của nhà kinh doanh thành công phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng giá. Đối với nhà kinh doanh chuyên nghiệp, xu hướng giá là quan trọng bậc nhất. Những  chỉ số như P/E hay chỉ số lợi nhuận gần như không quan trọng. Một người kinh doanh thành công có thể sẵn sàng mua một cổ phiếu P/E rất cao vì dự đoán được giá cổ phiếu này sẽ tiếp tục lên và ngược lại. Nhà kinh doanh chứng khoán thường quan tâm đến phân tích kỹ thuật nhằm xác định giá và thời điểm mua vào/bán ra. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh lại dựa vào một yếu tố mà với họ nó rất quan trọng, đó là thông tin, tin đồn.

Ngược lại, để là NĐT thành công, họ phải biết tương đối chính xác giá trị nội tại của chứng khoán. NĐT sẽ đạt được lợi nhuận trong tương lai khi mua những chứng khoán có giá trị nội tại thấp hơn thị giá. Nếu không dự đoán được giá trị nội tại thì NĐT không biết mình đang làm gì và đó chính là rủi ro lớn nhất trong đầu tư.

NĐT thường quan tâm đến phân tích cơ bản. Để có thể tính được giá trị nội tại của công ty, NĐT phải tự mình, hay thông qua những nhà tư vấn, nghiên cứu kỹ các chỉ số tài chính, tình hình kinh doanh, quản lý, tiềm năng phát triển, năng lực nhân sự… của công ty đó.

3. Rủi ro

Nhà kinh doanh phải đối điện với rất nhiều rủi ro. Chẳng hạn như rủi ro giá, khi xu hướng giá không đúng như dự đoán. Và khi nó xảy ra liên tục thì nhà kinh doanh lại phải gánh chịu rủi ro lớn về tính thanh khoản. Rủi ro này sẽ trở nên lớn hơn khi nguồn vốn mà họ có là vốn ngắn hạn hoặc là vốn của người khác.

Rủi ro lớn nhất có thể xảy ra đối với NĐT là công ty kinh doanh không hiệu quả như dự đoán. Khi đó, giá trị mà họ nhận về sẽ nhỏ hơn lúc bỏ ra. Và nếu xảy ra phá sản doanh nghiệp thì NĐT là những người cuối cùng được nhận phần còn lại của doanh nghiệp sau các chủ nợ.