Nhà khởi nghiệp đừng sợ bị sao chép ý tưởng khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Thay vì tìm cách giữ kín, hoặc luôn lo lắng rằng ý tưởng của mình bị sao chép, các nhà khởi nghiệp nên tập trung phát triển mô hình kinh doanh bền vững, tối ưu chi phí và tăng cường lợi nhuận…
Nhà khởi nghiệp đừng sợ bị sao chép ý tưởng khởi nghiệp

Tự đánh giá quá cao ý tưởng khởi nghiệp là điều không ít nhà sáng lập trẻ gặp phải. Họ có niềm tin mạnh mẽ rằng, ý tưởng ấy sẽ tạo tác động đột phá lên thị trường và các doanh nghiệp khác sẽ tìm cách sao chép.

Trên thực tế, khi một mô hình thành công, sẽ có rất nhiều mô hình tương tự được dựng lên. Nhưng trong số các mô hình được sao chép đó, không phải mô hình nào cũng có thể trụ lại. Bởi ngoài phần ý tưởng có thể giống nhau, mỗi dự án có đội ngũ nhân sự riêng, nên cách thức triển khai và vận hành khác nhau, dẫn đến kết quả cuối cùng sẽ khác nhau.

CEO Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập nền tảng tuyển dụng TopCV cho rằng, ý tưởng chỉ là yếu tố sơ khởi, còn để doanh nghiệp hoạt động, người đứng đầu cần thực hiện rất nhiều công việc phía sau.

“Mọi người hay nói vui, ý tưởng kinh doanh chỉ đáng giá một cốc bia và ai cũng có thể nghĩ ra rất nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực, thì cần nhiều hơn thế. Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ ý tưởng có khả năng triển khai thành mô hình kinh doanh trong tương lai hay không bằng cách nghiên cứu sơ bộ thị trường, nghiên cứu nhu cầu khách hàng. Sau đó, nếu thấy có nhu cầu và muốn phát triển tiếp, thì cần làm nhiều thứ hơn, như phải chuẩn bị nguồn lực, tài chính, con người, thời điểm…. để bắt đầu triển khai ý tưởng kinh doanh đó. Quan trọng là chuẩn bị tinh thần, sự đam mê, nhiệt huyết để sẵn sàng theo đuổi đến cùng”, đại diện TopCV chia sẻ.

Các công ty khởi nghiệp có nên e ngại việc bị sao chép ý tưởng không? Câu trả lời là: “Không”. Vậy họ có nên sao chép ý tưởng của người khác không? Câu trả lời là: “Tại sao không?”. Theo giới chuyên gia, trừ khi được bảo vệ bằng quyền sở hữu trí tuệ, còn không, những thông tin, kiến thức, thậm chí là ý tưởng, đều chắc chắn sẽ bị sao chép.

Bởi vậy, thay vì tìm cách giữ kín thông tin hoặc luôn lo lắng rằng ý tưởng của mình đang/sẽ bị sao chép, các nhà khởi nghiệp được khuyên nên tập trung phát triển mô hình kinh doanh bền vững, tối ưu hóa chi phí và tăng cường lợi nhuận để hướng tới thành công dài hạn. Đặc biệt, nên chú ý đến yếu tố sáng tạo, thông qua việc nghiên cứu các tính năng mới, cải tiến sản phẩm, thậm chí là mở rộng sang các thị trường mới.

“Chỉ có sự sáng tạo không ngừng, không phải để khác người, mà để giải quyết các vấn đề một cách bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất, mới là cách phát triển đột phá nhất, bền vững nhất”, nhà đầu tư Lê Diệp Kiều Trang, Nhà sáng lập Quỹ Alabaster nhấn mạnh.

Tin bài liên quan