Giá dầu đi xuống khiến giới trung lưu Ả Rập Saudi phải nghĩ đến chuyện... tiết kiệm.
Mohammed Idrees từng du lịch đến London một đến hai lần mỗi năm. Nhưng giờ đây, như nhiều công chức khác tại Ả Rập Saudi, anh phải nhắc vợ con hạn chế việc sử dụng ôtô để tiết kiệm nhiên liệu. Anh còn lắp thêm một tấm pin năng lượng mặt trời ở nhà bếp để giảm tiền điện.
Trong nhiều thập kỷ qua, người dân vương quốc này được tận hưởng một cuộc sống sung túc nhờ vào việc nhà vua đã chi hàng trăm tỷ đôla để trợ cấp cho các chi phí thiết yếu như nhiên liệu, điện, nước. Nhưng giờ đây, sự sụt giảm thê thảm của giá dầu - nguồn thu nhập chính của Ả Rập Saudi, đã khiến chính phủ rút bớt các trợ cấp sinh hoạt và làm tổn thương đến tầng lớp trung lưu.
Ả Rập Saudi sẽ chủ trì một cuộc họp vào tuần tới với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn để tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề giá đang bế tắc. Với tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại và dự trữ ngoại hối giảm, Ả Rập Saudi đang đứng trước áp lực phải có động thái hỗ trợ về giá, như cách mà nước này đã bước đầu thỏa thuận với Nga hồi đầu tháng. Thực tế, theo tờ Wall Street Journal, sự sụt giảm giá dầu thế giới một phần cũng do chính bản thân Ả Rập Saudi nhất quyết không chịu cắt giảm sản lượng nhằm duy trì thị phần. Theo một số nhà phân tích, vẫn có một lựa chọn để nâng giá dầu nếu các nước đồng ý đóng băng sản lượng ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, trước đó, Ả Rập Saudi đã tuyên bố sẽ không ký vào bất cứ thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của Iran, quốc gia không hề có ý định giảm sản lượng khai thác mà thậm chí là ngược lại.
Trong khi đó, người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Ả Rập Saudi đã trở nên ý thức hơn về chi tiêu của họ trong những tháng gần đây. Areej al-Aqel đang làm việc cho Sown Advisory – một công ty tư vấn kế hoạch tài chính cho các cá nhân và gia đình trung lưu, cho biết, phần lớn giới trung lưu tại nước mình làm việc cho chính phủ. Giờ đây, họ đã cắt bớt những bữa ăn ngoài để tiết kiệm chi phí. “Hầu hết mọi người đều đặt ít thức ăn hơn và thay đổi đặt hàng cho hợp lý hơn”, bà nói.
Ả Rập Saudi bắt đầu cắt giảm các trợ cấp nhiên liệu, điện và nước vào tháng 12 năm ngoái, sau khi công bố mức thâm hụt ngân sách kỷ lục. Chính phủ cũng đang cân nhắc việc cắt giảm lương của viên chức và đặt thêm một số loại thuế. Tuy nhiên, đáp lại động thái này, lạm phát đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, hiện khoảng 4%.
Chính phủ không có nhiều sự lựa chọn. Cơ quan thống kê nước này cho hay, tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ đạt 1,5%. Theo Capital Economic, kết quả quý II sẽ hơn 2% một chút. Nguyên nhân chủ yếu là suy giảm ở lĩnh vực tiêu dùng do tình hình lạm phát tăng và thu nhập hộ gia đình giảm kể từ đầu năm nay.
Ả Rập Saudi từng thoát khỏi những đe dọa của phong trào Mùa xuân Ả Rập, khi các lãnh đạo độc tài bị lật đổ hoặc phải thay đổi. Thời điểm ấy, nước này đã tăng trợ cấp xã hội và tạo nhiều việc làm hơn trong bộ máy chính phủ để xoa dịu dân chúng. Đến nay, hai phần ba người lao động nơi đây đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chính phủ. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu còn được chi trả tiền ngoài giờ và thường xuyên nhận thưởng. Vào thời điểm lên ngôi đầu năm ngoái, vua Salman còn ban một khoản tiền thưởng khổng lồ cho nhân viên chính phủ. Nhưng sự hào phóng đó giờ chỉ là quá khứ. Bên cạnh cắt giảm trợ cấp, chính phủ Ả Rập Saudi đang muốn giảm 40% chi ngân sách cho tiền lương và giảm đến 45% vào 2020. Đây là một phần trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ.
Nhiều người dân bắt đầu cảm thấy lo lắng. “Tôi nghĩ chúng tôi đang trải qua một giai đoạn khó khăn”, Emad al-Majed làm việc trong lĩnh vực dược phẩm tại Riyadh cho biết.
Ông Majed đã phải vay ngân hàng để mua một căn hộ vào năm ngoái. Đây là quyết định mà người đàn ông có 2 con cho rằng phải xem xét lại thói quen chi tiêu của mình. “Nếu anh đang chi tiêu ở một mức độ nào đó thì làm sao bây giờ có thể cắt giảm và bỏ bớt vài thứ?”, ông đặt câu hỏi và bình luận: “Đó là một ý tưởng tốt nhưng trong thực tế sẽ rất khó khăn với nhiều người”.
Để Ả Rập Saudi có thể cải thiện tình hình tài chính, các nhà phân tích cho rằng giá dầu phải tăng lên mức 70 đôla Mỹ một thùng, từ mức 46 đôla một thùng hiện nay. Tuy nhiên, nước này cùng các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn khác đã không đạt được thỏa thuận nào kể từ hồi tháng 4/2016. Trong khi đó, người dân thì ngày càng bồn chồn về tương lai của họ. “Tôi đã trở nên chăm chỉ hơn vì tôi nghĩ tương lai khá bi quan”, Mohammed Idrees nói thêm. “Có nhiều người nói về việc đa dạng hóa nền kinh tế, nhưng tôi chỉ mới thấy tập trung ở chuyện tăng thuế”.