Mòn mỏi chờ đợi
Rời huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lên TP.HCM làm việc tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc từ hồi con gái đầu lòng chưa vào lớp 1 đến nay đã học cấp 3, đó cũng là chừng ấy thời gian gia đình 3 người của anh Nguyễn Trọng Hoàng sống trong những khu trọ ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh để thuận tiện cho công việc cũng như đưa đón con đi học hàng ngày.
Anh Hoàng tâm sự rằng, vì giấc mơ an cư nơi thành thị nên phải chịu khó, chịu khổ, bởi cứ mỗi lần đến thăm bạn ở một chung cư gần nơi làm việc, ao ước sớm thoát cảnh sống trong những khu trọ chật hẹp, thiếu tiện ích càng trở nên mãnh liệt hơn.
Chia sẻ về quá trình đi tìm nhà, anh Hoàng cho biết, năm 2015, thông qua báo đài, anh biết có dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Lúc này, vợ chồng anh tích cóp được khoảng 300 triệu đồng nên ngay lập tức tìm mua, nhưng chính sách trả tiền theo tiến độ khá cao, ngân hàng lại hỗ trợ không nhiều nên đành ngậm ngùi chờ cơ hội khác.
Cơ hội thứ 2 đến sau đó 1 năm, khi một người đồng nghiệp cho biết, có dự án chung cư cho thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng, trả trước 200 triệu đồng là nhận nhà ngay và được sở hữu trong 49 năm. Thế nhưng, một lần nữa giấc mơ sở hữu nhà tuột khỏi tầm tay.
“Ngay khi biết thông tin, tôi đã tới dự án tìm hiểu, nhưng lượng người đăng ký mua đã vượt nhiều lần số căn hộ của dự án. Tôi cũng đã liên tục chạy đi chạy lại để mua lại suất đăng ký nhưng không ai bán, dù đưa ra giá chênh khá lớn so với giá gốc”, anh Hoàng tiếc nuối.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cứ mỗi lần đi ngang khu lưu trú công nhân trên đường CN8 (thuộc Khu công nghiệp Tân Bình, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) là chị Nguyễn Thị Hoa (quê Vĩnh Long) lại mơ ước có ngày công ty của mình có khu lưu trú để không phải sống trong căn phòng trọ chưa đầy 20 m2, thiếu thốn đủ thứ như hiện tại nữa. Mơ ước là vậy, song chị Hoa cũng biết, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có đủ tiềm lực tài chính xây khu lưu trú cho công nhân, chứ quy mô nhỏ như nơi chị làm việc thì khó có thể làm được việc đó.
“Giờ chỉ có nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại giá rẻ mới là chiếc phao để những người lao động thu nhập thấp như chúng tôi bám vào khi quyết tâm ở lại TP.HCM lập nghiệp”, chị Hoa bày tỏ.
Doanh nghiệp vào cuộc
Cần sớm xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa, cần giảm thuế VAT và triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đặc biệt, cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bởi hiện nay, chỉ tính riêng thời gian hoàn thủ tục đầu tư dự án đã mất 2-3 năm, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là cấp thiết và hiện nay từng ngày.
Thời gian gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản lớn bắt đầu lên kế hoạch làm nhà ở giá rẻ, mở màn là Tập đoàn APEC (APEC Group) khi đã thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam - Happy City với tham vọng xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao trong giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc APEC Group cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển dự án nhà ở xã hội chất lượng cao tại các thành phố trực thuộc Trung ương và những nơi tập trung các khu công nghiệp lớn. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, các dự án khu đô thị sẽ có quy mô từ 100-300 ha với giá bán từ 12-18 triệu đồng/m2, còn các địa phương khác có quy mô 50-100 ha với giá bán 8-14 triệu đồng/m2.
Mới nhất, 3 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng đã bắt tay thực hiện sáng kiến xây dựng nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương, số lượng căn hộ dự kiến khoảng 100.000 căn.
Trong đó, Hưng Thịnh cam kết xây dựng nhà chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với người có thu nhập thấp và trung bình thông qua việc tối ưu hóa hệ sinh thái của Tập đoàn, trong khi Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành sẽ cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất..., góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group khẳng định, khi tham gia vào sáng kiến, các doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân.
Liên quan tới giá thành, mặc dù không công bố con số cụ thể, nhưng ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành cho biết, các doanh nghiệp tham gia sáng kiến sẽ không loại trừ bất cứ giải pháp nào để đưa giá nhà về mức thấp nhất có thể, mà vẫn đảm chất lượng công trình.
Theo ông Tín, để hạ giá thành sản phẩm trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào không ngừng tăng như hiện nay là không đơn giản. Do đó, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương về quỹ đất, quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng, cơ chế thuế và chi phí quyền sử dụng đất...
“Điều chúng tôi hướng đến không chỉ là một ngôi nhà vừa túi tiền, mà còn là nơi an cư chất lượng, ổn định lâu dài dành cho người lao động. Chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc làm sao để người lao động có thu nhập trung bình chỉ từ 10 triệu đồng/tháng vẫn có thể sở hữu nhà, thay vì trả tiền nhà trọ hàng tháng thì họ trả góp cho ngôi nhà đó và điều này cần sự hỗ trợ về nhiều mặt”, ông Tín nói.
Là doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành cũng cho rằng, chính quyền các địa phương cần có quy trình riêng đối với những dự án này, phải làm sao rút ngắn quy trình phê duyệt pháp lý dự án, làm sao thi công và đưa vào sử dụng hiệu quả nhất, tạo nguồn cung tốt cho thị trường.
“Việc mở rộng và thực thi hiệu quả các dự án nhà ở xã hội sẽ góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội của các địa phương, giúp những giấc mơ an cư của hàng triệu lao động phổ thông không còn xa vời, đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng - xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.