“Không bằng xe 24 chỗ”
Ga Hạ Long với khổ ray 1,435m và 1,067m, có 6 đường ray chờ, với công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Là đầu nối quan trọng nhằm chuyên chở hàng hóa từ cảng Cái Lân đi các tỉnh và phục vụ hành khách mà chủ yếu là khách du lịch. Dự án được đánh giá là một cú hích cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, giảm tải cho QL 18 đang trong giai đoạn nâng cấp, đẩy nhanh đồng bộ hóa trong vận tải cho quá trình phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.
Nhưng từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà ga gần như không có hàng hóa và hành khách. Mỗi ngày, ga này chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu 4 toa, cũ kỹ được nhập của Trung Quốc từ những năm 60. “Khách khứa đâu ra, cùng lắm ông nào say quá không đi nổi xe thì họa may người ta mới lên tàu, còn không thì chỉ chở mấy cọng rau cho các bà chợ tạm thôi” – ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long nói.
Lý giải về điều này, ông Đại cho biết: Đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,067m, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa nên chẳng ai dại gì mà vận chuyển bằng đường sắt cả. “Còn khách khứa thì người ta chọn đường bộ cho tiện lợi, cực chẳng đã, người ta mới đi tàu”, ông Đại nói.
Quãng đường từ ga Hạ Long lên đến Yên Viên (Hà Nội) dài 165 km, nhưng phải đi qua gần 20 ga lớn nhỏ, mất hơn 7 giờ. Trong khi đó, cũng quãng đường ấy, đi ôtô chỉ mất hơn 3 giờ, chưa kể đến việc xuống ga còn phải đi taxi một quãng đường dài vào trung tâm thành phố. “Mỗi chuyến tàu ở đây lỗ gần chục triệu đồng, chưa kể đến tiền lương cho anh em, rồi tiền điện, tiền nước... Cả đoàn tàu thế nhưng vận tải lượng khách không bằng xe 24 chỗ đâu. Ngành đường sắt hàng năm đang lỗ hàng trăm tỷ cho các tuyến tàu chợ” - ông Đại nói.
“Nhà tôi sát ga Yên Viên nhưng từ khi có tuyến đường sắt này, đây là lần thứ hai tôi đi tàu từ Yên Viên xuống đây. Lần đầu là đi cho biết vì hồi đấy còn là tàu chất lượng cao của Hàn Quốc, còn lần này đi vì không có việc gấp, chứ ngồi gần 8 tiếng ê ẩm hết cả người” - anh Quang, khách đi tàu cho biết. Trước đó, nhà đầu tư Hàn Quốc Dongrim đã quyết định đầu tư đoàn tàu hỏa hạng sang Hạ Long Express trị giá triệu đô, nhưng vừa khai trương hơn một tháng đã vội khai tử vì không có khách.
Khu vực nhà ga vắng lặng cho dù được xem là đầu mối giao thông quan trọng. Toàn bộ nhà ga được xây mới khang trang và có rất nhiều phòng ban, nhưng tất cả đều cửa đóng then cài. Phía sân ga, cỏ mọc cao gần đầu người, những đường ray hoen gỉ.
Ga “nằm chơi xơi nước”
Cách ga Hạ Long chừng 5km là ga Cái Lân, điểm cuối cùng của tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh. Đây được xem là nơi tập kết hàng hóa từ cảng Cái Lân để vận chuyển đi khắp cả nước bằng đường sắt, là điểm trọng yếu trong suốt tuyến đường. Cơ sở hạ tầng của nhà gađược đầu tư rất quy mô. Từ đường sá đến bến bãi đều được xây mới.
Ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long “mỗi chuyến tàu, ngành đường sắt lỗ gần chục triệu”
Để vào được ga Cái Lân, phóng viên phải đi qua cầu vượt Bàn Cờ, điểm giao nhau với QL18 và cũng là con đường huyết mạch của ga Cái Lân đi các tỉnh. Nhìn vẻ bề ngoài, kiến trúc của công trình khá đồ sộ, với 2 lối lên xuống và một cầu vượt ngang QL18. Nhưng khi lên cầu một đoạn mới nhận thấy đây là một con đường hoang, không một bóng người qua lại, cỏ dại mọc um tùm, đất đá lấp hết cả mặt đường, những đống rác to tướng che hết cả lối đi.
Vòng qua những khối bê tông chắn giữa đường, đi thêm một đoạn mới đến ga Cái Lân. Không khỏi bất ngờ trước khung cảnh một nhà gaảm đạm và trơ trọi. Bụi than từ phía công trường Ghềnh Táu bao phủ toàn bộ khu vực sân ga, tất cả các cánh cửa đều đóng im lìm và phủ đầy bụi. Khu vực ga khá rộng, có nhiều bãi trống dùng để tập kết hàng hóa, nhà kho đạt tiêu chuẩn bảo quản hàng hóa cùng nhiều khu nhà chức năng.
Sân ga có 9 đường ray chờ, tất cả đều trống không. Các khu nhà chức năng vắng lặng, không một bóng người. Đi vòng ra dãy phía sau nhà ga mới thấy một phòng mở cửa. “Sao chú biết đây mà vào? Cả năm nay chẳng có ai lui tới, ga này giờ như ga chết, không hàng hóa, không tàu bè chỉ có mấy anh em tôi ngồi chơi xơi nước ở đây thôi. Ăn chán lại ngủ, ngủ chán lại đi loanh quanh” - anh Hoàng, công nhân ga Cái Lân nói.
Ga Cái Lân hiện có gần 20 công nhân vẫn thay nhau trực. Khi mới đi vào hoạt động, nhà ga chỉ tiễn được gần 10 đoàn tàu hàng, rồi nằm im từ đó. Với quy mô đáp ứng 40% lượng hàng hóa cần vận tải của cảng Cái Lân nhưng từ khi luồng sông Cửa Lục không đáp ứng được tàu trên 3 vạn tấn, cảng càng ít tàu qua lại, ga Cái Lân cũng bị lãng quên. Cộng thêm sự bất tiện khi vận chuyển bằng đường sắt phải mất thêm chi phí chuyển hàng, các chủ hàng hầu như không đếm xỉa đến nhà ganày.
“Nhìn quy mô, khí thế vậy nhưng không hoạt động được, anh em chúng tôi cũng xót lắm chứ. Lãng phí bao nhiêu tiền của nhà nước, khi ngả tay nhận lương cũng áy náy, cắn rứt lắm. Chỉ mong sao toàn tuyến nhanh chóng được đồng bộ với khổ ray trên toàn quốc, rồi nâng cấp đoàn tàu để giảm thiểu thời gian chạy tàu lúc đấy may ra mới có khách” - Ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long nói về một viễn tưởng hồi sinh cho siêu dự án này.
(Còn tiếp)