Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường vốn Việt Nam vẫn rất hấp dẫn.

Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường vốn Việt Nam vẫn rất hấp dẫn.

Nhà ĐTNN: không giảm niềm say mê với thị trường Việt Nam

(ĐTCK-online) Sáng 26/2, Hội thảo "Tìm kiếm lợi ích từ đối tác chiến lược" do Delta Partners tổ chức đã thu hút hơn 100 DN Việt Nam và khá đông quỹ đầu tư, đại diện DN nước ngoài tham gia, với mong muốn tìm kiếm đối tác, thiết lập những cuộc tiếp xúc ban đầu.

Trong con mắt của các diễn giả và đại biểu tham dự, thị trường vốn Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt phương thức hợp tác chiến lược có thể đem lại nhiều lợi ích cho các bên, nhất là khi bối cảnh gọi vốn từ công chúng đang có nhiều khó khăn. Tuy vậy, các diễn giả cũng nêu lên nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho cả người điều hành thị trường và những DN đang tìm dòng vốn ngoại với hy vọng cải thiện năng lực hoạt động. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến bên lề hội thảo.


Giáo sư  Hà Tôn Vinh,
Giám đốc Chương trình cao học Quản trị kinh doanh, TP. HCM, Đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ)

Những diễn biến trên thị trường vốn của Việt Nam hiện nay là bình thường, bởi trước đó trong một thời gian dài, giá CP đã đươc đẩy lên quá cao. Ở thời điểm này, nếu bạn có ý định đầu tư và có tiền dư thừa, cơ hội mua vào đã rất tốt.

Những can thiệp để cứu TTCK theo tôi chưa thực sự cần thiết, bởi tất yếu thị trường sẽ tự điều chỉnh, NĐT đã trưởng thành hơn nhiều và vẫn có nguồn tiền chờ đợi giải ngân. Dù bạn đầu tư thế nào, song sự điều chỉnh từ thị trường vẫn đem đến một lời khuyên là đừng bỏ tất cả một giỏ, khoản đầu tư an toàn để phục vụ cho con bạn ăn học cần được phân định khá rạch ròi, để khi thị trường có biến động, bạn thua lỗ không ảnh hưởng đến chúng.

Nhìn nhận về TTCK Việt Nam trong thời điểm gần đây tôi thấy 3 góc độ. Thứ nhất, việc quản lý của Nhà nước dường như rất thiếu thông tin, chính sách ban hành ra nhằm giải quyết sự vụ ngắn hạn là chính, chứ không có sự nghiên cứu, tính toán ổn định. Với Việt Nam , điều quan trọng trong thời điểm này là học hỏi kinh nghiệm các nước và vận dụng một cách linh hoạt, thích nghi với tình hình nước mình; tuy vậy, tôi chưa thấy nhiều lắm những chính sách như vậy. Một nhà quản lý chưa bao giờ phải trả lương nhân viên, chưa bao giờ nếm nỗi khổ của DN, khó có thể đưa ra những chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thứ hai, với DN, thông thường mỗi DN có 3 giai đoạn: tồn tại, phát triển và phát triển bền vững. Nhìn trên thị trường hiện nay, có DN vẫn chạy đôn chạy đáo lo tiền trả lương nhân viên, lo thanh toán cho đối tác, bạn hàng, điều này có nghĩa, họ mới dừng ở mức độ tồn tại; cũng có DN phát triển nhanh, nhưng lại nôn nóng đi tắt, bỏ qua giai đoạn nghiên cứu nên sau giai đoạn phát triển, lại rơi vào chu kỳ tồn tại.

Cá nhân tôi thấy rất ít DN Việt Nam bật lên được. Nhà nước ban hành chính sách dựa trên góc nhìn vĩ mô là chính, DN mới chỉ nghĩ đến quyền lợi DN và những người lao động trong DN, mà chưa nghĩ đến thị trường bên ngoài, NĐT bên ngoài; còn nhà đầu tư mới chỉ nghĩ đến đầu tư để thu lợi mau lẹ, không tìm DN để có thể bỏ vốn lâu dài. Mối quan hệ tương tự như  3 đỉnh của một tam giác như trên rất yếu, vì thế thị trường vận hành chủ yếu theo tâm lý đám đông. Ở các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan tôi đã chứng kiến những bước phát triển tương tự, NĐT cũng phải trả giá để có kiến thức. Chỉ khi những thành viên trên có mối quan tâm chung, hợp tác chặt chẽ với nhau thì thời gian học tập và chi phí cơ hội sẽ bớt đi. 


Ông Phạm Thanh Sang,
Giám đốc Aureos Capital

Quỹ chúng tôi đang quản lý 100 triệu USD và đã đầu tư vào một số  DN Việt Nam như Gỗ Trường Thành. Chúng tôi không tập trung đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, vì thế sự lên xuống của thị trường không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Quỹ. Năm 2008, chúng tôi vẫn tìm kiếm cơ hội giải ngân và thấy cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất tốt, bởi kết quả hoạt động của DN khả quan. Tiêu chí của Aureos là không đầu tư bất động sản, quy mô khoản đầu tư tối thiểu 1 triệu USD, DN có chất lượng quản trị tương đối tốt và đặc biệt người chủ DN phải gắn bó toàn tâm cho DN.

 

Ông Võ Sang Xuân Vinh, điều hành Saigon Capital

Thời điểm này các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn rất quan tâm tìm kiếm cơ hội, chứ không hề có dấu hiệu giảm quan tâm tới thị trường Việt Nam , do ảnh hưởng từ thị trường tài chính thế giới. Song các khoản đầu tư của họ thường có thời gian trung hạn khoảng 2-3 năm, thông thường với nhà ĐTNN, các khoản bỏ vốn thường vài triệu USD, nếu tìm được DN tốt.

Thời gian vừa qua, một số cuộc se duyên bất thành giữa DN trong nước và nhà ĐTNN, chẳng hạn Vinamit với Indochina Capital, hay IFC và Sacombank là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, qua rất nhiều đợt tiếp xúc cũng như tư vấn, tôi thấy rằng, DN Việt Nam phải học thêm rất nhiều, một số DN không biết mình ở đâu, nói chuyện với ai và thường nhắm đến lợi ích ngắn hạn hơn dài hạn. Đây cũng là những tín hiệu không mấy tốt với NĐT.

 

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Đầu tư - CTCP Bóng đèn Điện Quang

Cổ phiếu Điện Quang vừa niêm yết, đây là một phần trong kế hoạch phát triển nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh của Công ty. Hiện nay, Điện Quang muốn tìm kiếm cơ hội mua lại những công ty đang hoạt động có quy mô nhỏ, phục vụ sản xuất thiết bị phụ trợ  cho Công ty, chẳng hạn như ngành nghề cơ khí bởi hình thành đơn vị mới tốn kém thời gian và chi phí cơ hội rất nhiều. Ngoài ra, trong bối cảnh này chúng tôi cũng muốn tìm kiếm những đối tác nước ngoài hỗ trợ cho Công ty mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư nghiên cứu triển khai công nghệ mới. Hình thức hợp tác có thể là họ trở thành đối tác chiến lược, sở hữu một tỷ lệ nào đó cổ phiếu Điện Quang. Thời gian vừa qua cũng có 6-7 quỹ đầu tư đặt vấn đề bỏ vốn vào Điện Quang và phát triển một số lĩnh vực mới, song chúng tôi chưa đi đến thỏa thuận nào. Một số quỹ như VinaCapital thậm chí còn muốn tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại Điện Quang lên cao hơn mức hiện tại, song chúng tôi chưa muốn bán. Trước mắt, năm 2008, Công ty tập trung chủ yếu vào sản xuất thiết bị chiếu sáng, tăng năng suất, chất lượng, phát triển và mở rộng thị phần xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Tôn Đông Á

Tôn Đông Á hiện có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, chúng tôi đang bắt đầu quá trình CPH và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Cách thức được chúng tôi ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm đối tác chiến lược, sau đó mới là huy động từ công chúng. Ngoài hỗ trợ về vốn, đối tác có thể giúp chúng tôi tăng cường quản trị, cải tiến công nghệ và đặc biệt là phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cũng có một số quỹ đã đến tìm hiểu để đặt vấn đề đầu tư vào Công ty như Banking Invest hay Aureos… Thị trường vốn đang đóng vai trò quan trọng với quá trình phát triển của DN, tuy nhiên bản thân chúng tôi cần hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn và tái cấu trúc rất nhiều.