Nhà đầu tư vỡ òa cảm xúc, VN-Index vượt mốc 1.300 điểm

Nhà đầu tư vỡ òa cảm xúc, VN-Index vượt mốc 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên giao dịch bùng nổ khi VN-Index chính thức vượt mốc 1.300 điểm và thanh khoản lần đầu tiên sau khoảng 5 tháng vượt mức 20.000 tỷ đồng. 

Mặc dù có chút rung lắc nhẹ do thị trường đang bước vào vùng cản lớn, nhưng VN-Index vẫn bảo toàn được sắc xanh trong phiên giao dịch sáng 24/2 nhờ lực cầu khá mạnh và sự luân chuyển của các nhóm ngành để giữ nhịp cho thị trường. Tuy nhiên, kịch bản cũ vẫn lặp lại, chỉ số VN-Index ngay khi chạm mốc 1.300 điểm đã nhanh chóng quay đầu, thậm chí lùi về sát mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục trạng thái giằng co khi thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Sau hơn 1 giờ biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu, VN-Index bất ngờ vọt tăng nhờ dòng tiền tham gia sôi động. Chỉ số chung đã băng qua vùng cản lớn 1.300 điểm, khiến nhà đầu tư vỡ òa cảm xúc và lực cầu nhập cuộc sôi động hơn, giúp VN-Index tiếp tục nới rộng hơn biên độ tăng.

Thị trường khép lại phiên giao dịch đầy hứng khởi khi nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng tốc mạnh đã tiếp sức giúp chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 1.300 điểm, đứng tại vùng giá cao nhất trong khoảng 2,5 năm. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng ấn tượng khi khi đạt hơn 21.000 tỷ đồng và xác nhận phiên sôi động nhất trong khoảng 5 tháng.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa có chỉ báo cho thấy hoàn toàn thuận lợi, nhưng với nhiều nhà đầu tư lâu năm, đây là thời điểm có thể tham gia thị trường với kỳ vọng những chương trình kích thích kinh tế sớm được triển khai, dòng tiền sẽ sôi động hơn và chứng khoán có thể hưởng lợi như giai đoạn 2006-2007.

Đóng cửa, sàn HOSE có 260 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 7,81 điểm (+0,6%), lên 1.304,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 892,5 triệu đơn vị, giá trị 21.097 tỷ đồng, tăng 15,8% về khối lượng và 29,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 84,7 triệu đơn vị, giá trị 2.547,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên tăng hơn 10 điểm khi có tới 21 mã tăng và chỉ còn 6 mã giảm. Trong đó, HPG vẫn là mã tăng tốt nhất đạt 4,7%, tiếp theo là VNM tăng 3,9%, SSI tăng 2%... Riêng cặp đôi lớn HPG và VNM đã đóng góp gần 3,5 điểm cho chỉ số chung.

Ngược lại, cổ phiếu FPT vẫn giảm mạnh nhất trong rổ bluechip, với mức giảm 1,1%; các mã khác như BCM, PLX, ACB, VHM, VIC chỉ giảm nhẹ dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu LDG dậy sóng khi đóng cửa tại mức giá trần 2.200 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 9,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã khác như TPC, TMT, PTC, TDG, VCA, YBM đều đóng cửa khoe sắc tím.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở thành “đầu tàu” khi ghi nhận mức tăng xấp xỉ 2,3% bởi sắc xanh lan rộng toàn ngành. Trong đó, BSI tăng kịch trần và khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị, FTS tăng sát trần 6,6%, CTS tăng 4,6%, APG tăng 4,4%, VDS tăng 3,5%, DSC và ORS cùng tăng 3%... Cổ phiếu VIX và SSI có thanh khoản sôi động nhất ngành và cùng thuộc top 5 trên thị trường, lần lượt đạt 42,25 triệu đơn vị và hơn 25 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 1,8% và 2%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nới nhẹ biên độ tăng. Ngoại trừ ACB và OCB giảm nhẹ, cùng TCB và MSB đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng quanh mức 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG kết phiên tăng 4,7% với thanh khoản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, đạt gần 73,9 triệu đơn vị. Các mã khác như HSG và NKG cùng tăng hơn 2% với thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu viễn thông không có nhiều chuyển biến và vẫn giảm mạnh nhất thị trường, với FPT, CTG cùng giảm hơn 1%, SGT giảm 3,2%, VGI giảm hơn 4%...

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu lạc quan từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều hồi phục và nới rộng biên độ tăng về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,39%) lên 238,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,84 triệu đơn vị, giá trị 1.066 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,25 triệu đơn vị, giá trị 46,62 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đảo chiều khởi sắc, trong đó, SHS và MBS đóng cửa tăng 2,1% và 2,8%, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 9,74 triệu đơn vị và 4,85 triệu đơn vị. Ngoài ra, BVS tăng 3,9%, VIG tăng 1,6%...

Ở nhóm cổ phiếu thép, VGS vẫn tăng mạnh, kết phiên đứng tại mức giá 30.500 đồng/CP, tăng 6,3%, thanh khoản đạt 1,56 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 đã hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục sắc xanh như PLC tăng 3,1%, IDC tăng 1,8%, PVS và SLS cùng tăng 1,2%... Cổ phiếu PSD vẫn giữ đà tăng trần với thanh khoản đạt 1,64 triệu đơn vị và khối lượng dư mua trần lớn.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 65,6 triệu đơn vị, giá trị 817 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,97 triệu đơn vị, giá trị 15,43 tỷ đồng.

Cặp đôi giao dịch sôi động nhất thị trường là MSR và AAH kém tích cực. Cụ thể, MSR giảm 13,7% và khớp 6,61 triệu đơn vị, còn AAH giảm 9,4% và khớp 6,37 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thép TVN tiếp tục nới nhẹ biên độ, kết phiên tăng 6,8% lên mức 9.400 đồng/CP với thanh khoản đạt 2,77 triệu đơn vị.

Các mã BCR và BVB đã hồi phục nhẹ trước khi đóng cửa, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 3,5 triệu đơn vị và 3,3 triệu đơn vị, trong khi BGE vẫn giảm 3,3%, HNG giảm 1,4%, BOT giảm 2,8%, VAB giảm 1,9% với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2503 tăng mạnh nhất là 12,5 điểm, tương đương +0,9% lên 1.366,3 điểm, khớp lệnh gần 170.130 đơn vị, khối lượng mở gần 35.090 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2408 có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt 6,91 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 22,2% lên 880 đồng/cq. Theo theo là CHPG2407 khớp 6,59 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 32,1% lên 700 đồng/cq.

Tin bài liên quan