Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thị trường giảm mạnh bất thường, nhiều cổ phiếu tốt vẫn bị bán tháo, ông nhận định thế nào về xu thế thị trường, liệu đã tạo đáy chưa? Liệu có bị phá mốc 1000 điểm không?
Tôi cho rằng, xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường hiện tại vẫn đang trong xu hướng giảm, nhưng thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán rất mạnh và chỉ báo định lượng đang rơi về mức đáy thấp của tháng 3/2020 (tức là thời điểm diễn ra sự kiện bùng phát dịch Covid-19).
Theo đánh giá của tôi, thị trường thường có xác suất tăng 72% trong 2 tháng tới với mức tăng trung bình là 10% khi thị trường đạt trạng thái này. Do đó, tôi cho rằng, cơ hội đang cao hơn so với rủi ro hiện nay của thị trường.
Tại sao tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam tốt nhưng vẫn không thể hỗ trợ được thị trường?
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III/2022 đạt 13,67% so với cùng kỳ, nhưng so với quý II/2022 thì chỉ tăng 1,83% cho thấy tốc độ tăng trưởng theo quý đang chậm lại do ảnh hưởng từ lạm phát và Fed tăng lãi suất trong giai đoạn vừa qua.
Đồng thời, theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục âm trong những quý tới, cho nên định giá của các cổ phiếu cũng có thể sẽ ở mức cao so với mức hiện tại, nghĩa là định giá dự phóng đang tăng lên, cho nên cổ phiếu cũng chưa hoàn toàn rẻ như giai đoạn trước nữa, điều này đã khiến thị trường phản ứng tiêu cực.
Ngoài ra, các vấn đề về room tín dụng và tình hình đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vào thời điểm cuối năm cũng đã khiến nhóm ngân hàng và bất động sản không còn là bệ đỡ cho thị trường.
Tâm lý nhà đầu tư đang rất mong manh, vẫn chưa tìm thấy thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Vì sao lại vậy, thưa ông?
Thị trường vẫn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ mạnh do nhiều thông tin tiêu cực hơn và tâm lý của nhà đầu tư lúc này cũng đang rất yếu. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ đón làn sóng thông tin kết quả kinh doanh quý III/2022, nhưng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, điều này cũng có thể hỗ trợ đà giảm của thị trường sẽ chững lại. Đồng thời, lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này cũng kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn trong những tháng tới và tránh gây ra áp lực ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh như hiện nay?
Tôi cho rằng, thị trường đang có khả năng sẽ hồi phục trong 2 tháng tới là khá cao, cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo giai đoạn này và ưu tiên nắm giữ. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index vượt được hoàn toàn mức 1.160 điểm thì có thể xem xét tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.
Đâu là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên lựa chọn là kênh trú ẩn an toàn trong quý IV/2022 và đầu năm 2023?
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể trú ẩn vào các nhóm cổ phiếu phòng thủ và duy trì tăng trưởng cao như nước và khí đốt, điện, bia và đồ uống, vận tải, công nghệ, sản xuất thực phẩm.
Nếu kịch bản lạc quan, trong quý IV, ông nhận định thị trường sẽ thế nào?
Trước mắt, tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể duy trì đà tăng trong tháng 10 và 11, nhưng thị trường có thể sẽ quay trở lại đà giảm trung hạn trong tháng 12, chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.210 điểm trong hai tháng kế tiếp.