Sau phiên giật mình hôm thứ Sáu tuần trước (6/3) với dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố, làm tăng khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 năm nay, giới đầu tư đã trấn tĩnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Thị trường lao động khởi sắc với số việc làm mới tăng mạnh ngoài dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới mục tiêu của Fed, trong khi tiền lương theo giờ tăng lên một mặt khiến khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 6 cao hơn, nhưng nó cho thấy sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khá tốt và do đó, chứng khoán sẽ có sức hấp dẫn. Chính vì vậy, giới đầu tư đã mua trở lại sau phiên bán tháo cuối tuần trước, giúp phố Wall hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, phiên tăng điểm hôm thứ Hai chỉ là nhịp hồi kỹ thuật sau phiên lao dốc trước đó. Thị trường trong năm 2015 được đánh giá không mấy khả quan và hiện mặt bằng giá đang cao hơn so với kỳ vọng phát triển của doanh nghiệp.
Theo Nick Raich, Giám đốc điều hành của The Earnings Scout, thị trường đang giao dịch với mức PE 17,5 so với 15,5 của năm 2014. Ngoài ra, năm ngoái, thời điểm này, giới phân tích đã có những dự báo lợi nhuận quý II/2014 sẽ tăng 9,5%, trong khi năm nay, mức dự báo cho quý II/2015 là không có tăng trưởng.
Trong tuần này không xuất hiện thông tin kinh tế quan trọng, tác động mạnh tới thị trường như dữ liệu việc làm của tuần trước, nhưng cũng có một số thông tin mà nhà đầu tư cũng quan tâm, như kết quả kinh doanh, đặc biệt là dữ liệu bán lẻ được công bố vào thứ Năm.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 138,94 điểm (+0,78%), lên 17.995,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,17 điểm (+0,39%), lên 2.079,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,07 điểm (+0,31%), lên 4.942,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất sớm cũng ảnh hưởng tới chứng khoán của khu vực, bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu tung tiền vào thị trường. Bên cạnh đó, lo ngại về vấn đề Hy Lạp lại tăng lên khi Eurogroup cho biết, danh sách các cải cách của Anthens để đổi lấy gói cứu trợ thứ 2 còn quá cách xa những gì mà EU yêu cầu. Vì vậy, nếu không sửa đổi, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ không nhận được khoản tiền hỗ trợ trong tháng này như thỏa thuận đạt được trước đó giữa 2 bên. Khi đó, nhiều khả năng mối lo Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro một lần nữa lại tăng lên.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 84,67 điểm (-1,22%), xuống 6.876,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,14 điểm (+0,27%), lên 11.582,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,15 điểm (-0,55%), xuống 4.937,20 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dư âm của thông tin cuối tuần trước bên kia bờ Thái Bình Dương cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Nhật Bản, bất chấp đồng yên đang giảm mạnh so với đồng USD và đang được giao dịch gần với mức thấp nhất kể từ tháng 7/2007 (121,84 JPY/USD). Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại bật mạnh trở lại trong phiên đầu tuần nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thông tin cơ quan quản lý chứng khoán sẽ được cấp giấy phép môi giới cho các ngân hàng, làm tăng kỳ vọng thêm nguồn doanh thu cho các nhà băng. Cũng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc, nên chứng khoán Hồng Kông đã hãm bớt đà giảm trong phiên đầu tuần khi chịu những thông tin từ Mỹ và dữ liệu bán lẻ yếu kém của đặc khu này được công bố cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 180,45 điểm (-0,95%), xuống 18.790.55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,95 điểm (-0,17%), xuống 24.123,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 61,22 điểm (+1,89%), lên 3.302,41 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi giảm mạnh trong phiên thứ Sáu tuần trước, xuống mức thấp 13 tuần, lực mua bắt đáy đã giúp vàng hồi nhẹ trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, việc đồng USD đang được giao dịch ở mức cao và nỗi lo Fed tăng lãi suất sớm khiến nhịp hồi kỹ thuật của vàng không duy trì được khi bước vào phiên giao dịch Mỹ. Giá kim loại quý đảo chiều giảm nhẹ trở lại và có phiên giảm thứ 6 liên tiếp.
Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.166,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,7 USD/ounce (-0,15%), xuống 1.166,5 USD/ounce.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan giúp dầu thô hồi phục nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần. Trong khi dầu thô Brent tiếp tục giảm giá hơn 2%, xuống dưới 59 USD/thùng.
Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,39 USD/thùng (+0,78%), lên 50,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,20 USD (-2,05%), xuống 58,53 USD/thùng.