Nhìn lại lịch sử, vào ngày 28/10/1929, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm tới 13%, trở thành một “ngày thứ Hai đen tối”, báo hiệu cuộc Đại suy thoái. Gần 60 năm sau, ngày 19/10/1987, chỉ số này đã bốc hơi 508 điểm, tương đương mức giảm 22,6%, lớn nhất trong lịch sử và trở thành một “ngày thứ Hai đen tối” nữa. Vào một “ngày thứ Hai đen tối” khác, ngày 27/10/1997, chỉ số Dow đã mất 13% khi phản ứng với sự đổ sập của các thị trường châu Á.
Nhưng với một nhóm nhà đầu tư khác, những người đánh cược vào trái phiếu doanh nghiệp, thời điểm mà họ lo lắng nhất là 30 ngày tiếp theo.
Họ lo lắng về cả thị trường chứng khoán yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Cả hai nguy cơ này đã phủ mây đen lên triển vọng của trái phiếu lợi suất cao, một trong những phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed).
Kết quả nghèo nàn và nguy cơ đổ vỡ từ sự ra đi của Bill Gross khỏi Pimco đối với các thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung thêm phần lo lắng trong bối cảnh lợi suất bình quân vẫn đang ở các mức thấp. Sau nhiều năm tăng trưởng, hiếm khi nào giá trái phiếu doanh nghiệp lại có mức nệm để thích ứng với một thị trường chứng khoán bị bán tháo, hay một đợt biến động kéo dài, mỏng như bây giờ.
“Tình huống mà trong đó, cổ phiếu lao dốc và lãi suất tăng nhìn chung không tốt cho trái phiếu doanh nghiệp. Cổ phiếu và trái phiếu lợi suất cao giống nhau về các phạm trù rủi ro. Nếu thị trường chứng khoán náo động và trong điều kiện mức định giá trái phiếu đang cao, chúng ta có thể sẽ thấy lợi suất tăng lên đáng kể”, Fran Rodilosso, quản lý cao cấp quỹ chỉ số trái phiếu ở Van Eck Global nói.
Một số nhà đầu tư lợi suất cao đã bị đốt hoàn toàn lợi nhuận trong tháng 7, khi giá giảm và lợi suất tăng gần 100 điểm cơ bản do mức biến động tăng lên và Chủ tịch Fed cảnh báo “mức định giá chứng khoán có vẻ đã bị kéo căng”.
Thời điểm đó, thị trường cổ phiếu ít để ý đến nguy cơ điều chỉnh và chỉ số S&P tiếp tục leo lên các mức cao kỷ lục mới. Chỉ số này đã được giao dịch ở mức cao mọi thời đại 2.019,26 điểm hôm 9/9.
Nhưng kể từ đó, chứng khoán bắt đầu lình xình và các quan chức Fed, trong đó có Richard Fisher, Chủ tịch Fed ở Dallas và một thành viên trong Ủy ban Thị trường mở nói rằng, lãi suất có thể tăng “sớm hơn, thay vì muộn hơn” trong năm 2015.
Dan Heckman, chiến lược gia cao cấp về thu nhập cố định của US Bank Wealth Management cho rằng, nguy cơ điều chỉnh trên các thị trường cổ phiếu đặt ra một thách thức cho các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu lãi suất cơ bản cao hơn.
“Trái phiếu lợi suất cao không còn rẻ. Nếu chứng khoán bước vào một chu kỳ điều chỉnh, chúng ta sẽ không còn thấy những trái phiếu đó tăng mạnh như từng thấy”, ông nói.
Sau khi mang lại tỷ suất lợi nhuận 2 con số cho các nhà đầu tư năm 2012, nhịp tăng của lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã chậm lại trong năm ngoái, còn 7,4% và hiện chỉ còn 3,1%, theo Barclays. Đây là kết quả của những trái phiếu phát hành trước đó, còn những trái phiếu phát hành gần đây đã chốt lại quý III với tỷ suất lợi nhuận âm 2,2%. Doanh số phát hành mới trái phiếu cũng ít đi trong tuần qua.
Vụ ra đi hôm 26/9 của ông Gross khỏi Pimco, nhà quản lý các quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới, là một tin xấu khác.
Khi các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các quỹ của Pimco, áp lực bán đã tăng lên, trong khi thanh khoản yếu đi ở các thị trường cổ phiếu doanh nghiệp, nơi Pimco nắm giữ phần lớn thị phần. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 23 điểm cơ bản lên 6,16% kể từ vụ ra đi của ông Gross.
Tuy nhiên, một số người cho rằng, những lo ngại xung quanh vụ Pimco có thể chỉ diễn ra trong chốc lát. Việc đó “rõ ràng gây áp lực lên một số loại tài sản”, Adrian Miller, Giám đốc chiến lược thu nhập cố định ở GMP Securities nói. “Nhưng có lẽ nó rốt cuộc không dẫn đến một phản ứng thái quá trên thị trường”.
Ông Miller nói rằng, nền tảng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc và sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho chứng khoán và trái phiếu lợi suất cao.
Marty Fridson, Giám đốc đầu tư của LLF Advisors, cũng nghi ngờ về mối liên hệ giữa việc thị trường cổ phiếu điều chỉnh và triển vọng lợi nhuận của trái phiếu doanh nghiệp.
“Mặc dù có rất nhiều người nói như vậy, nhưng tôi tuyệt không thấy có bằng chứng nào về mối quan hệ khăng khít giữa các đợt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp”, ông Fridson nói.