Bức tranh nền kinh tế
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Quỹ VFM nhận định, trong năm 2009 kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thử thách từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nhiều khả năng suy giảm do sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu, FDI giải ngân năm 2009 có thể giảm 40% so với năm 2008, chỉ đạt 7 tỷ USD. Luồng vốn đầu tư gián tiếp (FII) dự báo giảm mạnh khi TTCK Việt Nam chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD. Kiều hối có thể giảm từ mức 7,2 tỷ USD của năm trước xuống khoảng 6 tỷ USD trong năm nay.
Về hoạt động xuất khẩu, ông Tân đánh giá, ở những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU, nhu cầu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh từ đặc thù xuất khẩu (nông sản) nên VFM dự báo xuất khẩu năm 2009 có mức tăng khoảng 5%, đạt 66 tỷ USD. Về nhập khẩu cũng có diễn biến tương tự, nhưng mức tăng thấp hơn, khoảng 4%, đạt 83,6 tỷ USD.
Vì vậy, theo VFM, sức ép lên cán cân thanh toán năm 2009 không đáng lo ngại. Áp lực cán cân thanh toán sẽ phụ thuộc nhiều vào vốn giải ngân FDI. VND nhiều khả năng sẽ giảm giá từ 3 - 5% so với USD nhằm kích thích xuất khẩu. Trong các giả thiết về bức tranh kinh tế, VFM thiên về kịch bản trung bình với mức tăng trưởng GDP năm 2009 là 5,5%.
Cũng đưa ra dự báo cụ thể, cái nhìn của VinaCapital thận trọng hơn. Ông Phạm Đỗ Chí, Kinh tế gia trưởng VinaCapital cho rằng, điều quan trọng là xem xét toàn diện cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam trong năm 2009. Theo ông Chí, kịch bản khả dĩ nhất là tăng trưởng GDP ở mức 4 - 5%; lạm phát giảm xuống mức 1 con số, từ 6 - 7%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 59 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 71 tỷ USD; vốn FDI thực hiện khoảng 6 tỷ USD…
Trọng tâm là thị trường trái phiếu?
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC nhìn nhận các dự báo về thị trường trong năm 2008 đều không có độ chính xác. Vì vậy, các NĐT hiện nay tiếp nhận thận trọng với các dự báo cho năm 2009. TTCK đang thể hiện điều này. Khái niệm cổ phiếu đắt hay rẻ tại TTCK Việt Nam, theo ông Johan, chỉ mang tính tương đối. Chẳng hạn, với mức P/E hiện nay xoay quanh ngưỡng 9 lần thì cổ phiếu được coi là rất rẻ nếu TTCK tăng trở lại khi mức P/E đạt 25 lần. Nhưng giá cổ phiếu sẽ là đắt nếu TTCK giảm thêm nữa. Sự so sánh cổ phiếu Việt Nam với TTCK các nước là cảm tính, vì mỗi TTCK có một đặc thù. TTCK Việt Nam đang có diễn biến dựa vào yếu tố tâm lý nhiều hơn các yếu tố cơ bản. Vấn đề của thị trường hiện nay là NĐT Việt Nam đánh giá thị trường trong thời gian ngắn dưới 1 tháng. Chính vì thế, khi triển vọng nền kinh tế chưa rõ ràng, NĐT đang thận trọng.
Nhận định về hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài trong năm 2009, ông Phạm Đỗ Chí cho rằng, các quỹ quốc tế chịu áp lực hoàn vốn, thậm chí thanh lý. Việc này gây tâm lý tiêu cực với NĐT trong nước vì thấy dòng tiền từ nước ngoài chảy vào chứng khoán hạn chế. Tuy nhiên, một số quỹ nhỏ đã xuất hiện và có thể thay thế các quỹ khác nếu họ rút tiền. Theo ông Chí, các thị trường mới nổi sẽ hấp dẫn hơn trong năm 2009, đặc biệt đối với các NĐT trái phiếu và cơ sở hạ tầng.
Ông Chí so sánh các kênh đầu tư trong năm 2009 và cho rằng, tiền gửi có lãi suất đang trên đà giảm nhanh nên có khả năng NĐT rút tiền ra khỏi tài khoản tiết kiệm khi kỳ hạn kết thúc. Gói chính sách tài khóa kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới áp lực lạm phát khiến vàng tăng giá. USD là một sự lựa chọn nếu NĐT tin VND sẽ giảm giá thêm, dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Giá bất động sản đã giảm trung bình 30 - 40% từ đỉnh cao của năm 2007, giá đã trở nên hợp lý, nhưng năm 2009 có lẽ chưa phải là thời điểm của hoạt động đầu cơ. Chứng khoán giá đã thấp và trở nên hấp dẫn, nhưng do có quá nhiều người mất tiền trên thị trường nên dòng tiền sẽ chậm quay lại. Khi VND ổn định, lợi suất dương trái phiếu ở mức cao sẽ khiến đây là kênh đầu tư hấp dẫn.
Ông Mai Huy, Giám đốc đầu tư Quỹ Prudential cho rằng, thị trường cổ phiếu hiện nay không lạc quan lắm, vì các lý do: nhiều đầu tàu kinh tế thế giới bị suy thoái và cần thời gian dài để hồi phục; mức giá cổ phiếu tại nhiều TTCK lớn như Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy; dù đã xuống rất thấp, nhưng TTCK nhiều nước sẽ không phục hồi trước khi TTCK Mỹ phục hồi… Quan điểm của Prudential Việt Nam trong thời điểm hiện tại là thị trường trái phiếu đang hấp dẫn và có thể đem lại lợi nhuận cao hơn cổ phiếu, trong khi có ít rủi ro hơn.