Dòng tiền giao dịch mạnh mẽ hơn và chấp nhận giải ngân ở mức giá cao hơn, phần nào xóa đi sự thận trọng bao trùm trong cả tuần qua.
Cổ phiếu bất động sản thu hút giới đầu cơ
Trong số các cổ phiếu này, giới đầu cơ dường như bị thu hút đặc biệt bởi nhóm bất động sản. Chúng tôi đã từng đề cập đến những dấu hiệu ấm lên của thị trường bất động sản qua những thống kê tích cực về số lượng giao dịch trong thời gian gần đây.
Nhận định này được củng cố bởi những yếu tố hỗ trợ như vốn FDI chảy vào bất động sản tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm, lãi suất đang có xu hướng giảm mở ra cơ hội tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn, những thay đổi tích cực của Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản, hay các dự án hạ tầng trọng điểm đang được đẩy mạnh tại hai thành phố lớn (Hà Nội và TP. HCM) và các vùng lân cận.
Nhờ những biến chuyển này, Hãng tin Reuters đánh giá cao triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, mang lại tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh sự khởi sắc từ thị trường bất động sản, việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) trong ngày 4/8 vừa qua đã phần nào xoa dịu tâm lý thất vọng của thị trường sau khi bị tác động mạnh bởi kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại cuối tuần trước. Lợi ích mang lại từ Hiệp định FTA Việt Nam - EU là rất lớn đối với Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam có tính bổ sung cao với thị trường EU và được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng mạnh trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, rủi ro TTCK giảm điểm vẫn còn hiện hữu bởi sau phiên hồi phục, thị trường vẫn chưa tìm được sự đồng nhất giữa các nhóm cổ phiếu. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu lớn chủ yếu vẫn đang nằm trong xu hướng điều chỉnh, có thể tác động xấu tới diễn biến của các chỉ số như VN-Index hay VN30.
Dòng tiền nóng đang có dấu hiệu rút ra từ phân khúc này và một phần trong số đó đang tìm kiếm cơ hội tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, hoặc có thông tin cơ bản hỗ trợ. Tuy nhiên, đây không phải phân khúc cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể giải ngân được với tỷ trọng lớn. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong trung hạn và đang chờ đợi điểm cân bằng của VN-Index sẽ xuất hiện trong ngắn hạn để có thể giải ngân vào nhóm blue-chip.
Trong kịch bản xấu, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 580 - 585 điểm
Chỉ số VN-Index trong vài phiên gần đây dao động quanh ngưỡng hỗ trợ 600 - 605 điểm của đường trung bình động MA50 ngày, sau khi giảm điểm từ mức 639,54 điểm hồi cuối tháng 7. Sự phân hóa nhất định đã diễn ra với sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Tuy vậy, diễn biến của nhóm cổ phiếu cầm trịch xu hướng thị trường trong giai đoạn tăng trưởng trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với các đại diện như VCB, BID, CTG vẫn đang diễn biến xấu đi khi tiếp tục tạo đáy mới sau phiên giao dịch ngày hôm qua (6/8). Do đó, rủi ro giảm điểm của VN-Index vẫn tồn tại.
Trong trường hợp chỉ số sàn HOSE phá vỡ phòng tuyến 600 điểm thì nhiều khả năng sẽ chỉ số này phải tìm kiếm một điểm cân bằng thấp hơn để tích lũy, trước khi có thể tăng trở lại.
Chúng tôi thấy trên đồ thị kỹ thuật của chỉ số có một vùng hỗ trợ mạnh và rất quan trọng, tạo bởi các đường trung bình động trung hạn MA100 và MA200 ngày tại 580 - 585 điểm. Do đó, trong kịch bản xấu, VN-Index có thể giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ này và chúng tôi cho rằng, đó sẽ là cơ hội giải ngân tốt với các nhà đầu tư trung hạn.