Sau phiên sáng khá ảm đạm, giao dịch thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái này. Tuy nhiên, điểm số VN-Index được cải thiện đáng kể khi có nhịp tăng tích cực từ vùng đáy của phiên gần 1.205 điểm lên trên 1.215 điểm nhờ lực nâng của một số bluechip và bảng điện tử đảo chiều với sắc xanh chiếm ưu thế.
Mặc dù vậy, thanh khoản toàn thị trường lại là điểm trừ khi vẫn chỉ dừng lại ở mức thấp, quanh mức thấp 15.000 tỷ đồng trên HOSE. Bên cạnh đó, động lực dẫn dắt cũng không xuất hiện. Nhà đầu tư đa phần chỉ tập trung giao dịch ngắn hạn ở các mã vừa và nhỏ mang tính đầu cơ.
Đóng cửa, sàn HOSE có 268 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,57%), lên 1.216,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 570,3 triệu đơn vị, giá trị 14.399,5 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (26/4). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 56,6 triệu đơn vị, giá trị 1.846 tỷ đồng.
Hai bluechip đóng vai trò trụ đỡ phiên sáng là SAB và FPT nới thêm đôi chút đà tăng, với SAB +4,04% lên 56.600 đồng, FPT +3,33% lên 127.300 đồng. Phiên chiều còn ghi nhận một số mã khác bật lên, với BCM +3,1% lên 54.000 đồng, các cổ phiếu lớn như MSN, MWG, VRE, VIB, BVH, SHB nhích 1% đến 2,2%.
Đáng kể nhất là POW, khi có thời điểm chạm gần mức giá trần, trước khi đóng cửa +5,7% lên 11.100 đồng và là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30, khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm điểm cũng đã thu hẹp đà đi xuống, với STB giảm mạnh nhất cũng chỉ -2,1% xuống 27.600 đồng, các cổ phiếu VPB, CTG, TPB và SSI mất trên dưới 1,4%.
Thanh khoản hai mã SHB và MWG đáng kể nhất khi thuộc top cao nhất sàn với lần lượt 31,4 triệu và 21,9 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là một số cái tên riêng lẻ cuối phiên sáng như AGG, HID giữ vững giá trần.
Đáng kể là về cuối phiên, các cổ phiếu ngành điện đã nổi sóng, ngoài POW nêu trên thì BTP và PPC đã tăng kịch trần lên 14.900 đồng và 14.350 đồng, khớp lần lượt 0,12 triệu và 0,78 triệu đơn vị. Các mã khác trong nhóm như NT2 +4,7% lên 22.400 đồng, REE +4,2% lên 64.200 đồng, GEG +3,7% lên 12.750 đồng, PC1, TBC, TMP, KHP, DRL, VSH, CHP…cũng đóng cửa trong sắc xanh, dù mức tăng khiêm tốn hơn.
Các cổ phiếu thuộc các nhóm nguyên vật liệu, bất động sản, xây dựng, dịch vụ, vận tải nhận lực cầu tốt cũng ghi nhận mức tăng khá trong phiên này có QCG +5,9% lên 16.100 đồng, HVH +5,1% lên 5.380 đồng, SCS +4,6% lên 83.700 đồng, TMS +4,6% lên 57.000 đồng. Các cổ phiếu CII, NLG, NKG, NBB, VCG, HAX, SKG, HHS, TSC, DCM tăng trên dưới 4%.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư vẫn cố gắng không bán giá thấp nên đa phần chỉ giảm nhẹ. Đáng chú ý là cổ phiếu DIG hãm bớt đà giảm, nhưng vẫn còn -3,4% xuống 26.850 đồng, khớp lệnh nổi bật nhất khi dẫn đầu sàn với hơn 34,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã tìm về được sắc xanh ở những phút cuối sau khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu trước đó.
Đóng cửa, sàn HNX có 82 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 0,67 điểm (+0,30%), lên 227,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,1 triệu đơn vị, giá trị 972,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,78 triệu đơn vị, giá trị 53,9 tỷ đồng.
Cũng như phiên sáng, khi các mã nhỏ thu hút nhà đầu tư hơn, với AAV và DL1 tăng trần lên 5.300 đồng và 4.100 đồng, LIG nhích gần 6%, VHE tăng hơn 3%.
Trong khi đó, cổ phiếu lớn IDC tăng gần 5% lên 59.000 đồng, khớp hơn 3,03 triệu đơn vị. Các cổ phiếu SHS, CEO, PVS, MBS, PVC vẫn chìm trong sắc đỏ, dù chỉ mất điểm nhẹ, khớp từ 1,27 triệu đến hơn 4,7 triệu đơn vị, riêng SHS khớp hơn 10,88 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đi ngang so với mức điểm cuối phiên sáng và bật lên mức cao nhất ngày về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,94 điểm (+1,06%), lên 89,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,4 triệu đơn vị, giá trị 299,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,81 triệu đơn vị, giá trị 52,2 tỷ đồng.
Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao vẫn duy trì sắc xanh, ngoại trừ BSR, SBS, DRI, AAS, ABB về tham chiếu và DGT giảm nhẹ.
Các mã tăng tích cực đáng kể là VBB khi giữ vững sắc tím tại 12.700 đồng, ACV tăng hơn 8%, DDV tăng 7,6%, các cổ phiếu FOX, QTP, AAH, VGI, VHG tăng 4% đến hơn 6%.
Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2405 tăng 10 điểm, tương đương +0,81% lên 1.242,4 điểm, khớp lệnh hơn 210.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, các mã khớp hơn 2 triệu đơn vị đều giảm. Trong đó, CTCB2401 giảm 6,5% xuống 6.080 đồng/cq. Hai mã tiếp theo giảm sâu, với CVHM2302 khi mất 27,3% xuống 80 đồng/cq và CSTB2306 giảm 44,7% xuống 210 đồng/cq.