Dù cần nhiều thời gian để thẩm thấu tới doanh nghiệp, nhưng theo giới đầu tư, lãi suất hạ nhiệt cùng nhiều chính sách được ban hành mới đây đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết các nút thắt của ngành bất động sản, hướng đến phát triển bền vững hơn thị trường này.
Có thể kể đến như Nghị định 10/2023 (hiệu lực từ 20/5/2023) về chi tiết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch nghỉ dưỡng…; Quyết định 338/QĐ-TT phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu cung cấp ít nhất 1 triệu căn vào năm 2030; Công văn 2308/NHNN-TD do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 1/4/2023 hướng dẫn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, lãi suất ở mức 8,7%/năm với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà.
Ghi nhận thực tế, nhiều chủ đầu tư có năng lực tài chính vững chắc, có khả năng “vượt qua giông bão” cũng đang tích cực thử nghiệm các giải pháp tài chính mới để hỗ trợ khách hàng, khi mà bối cảnh lãi suất vay mua nhà vẫn đang cao, trung bình 13 - 14%/năm (đỉnh điểm có lúc 15%/năm) khiến sức cầu bất động sản bị ảnh hưởng.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, trong bối cảnh lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản. Tất nhiên, thị trường bất động sản có thể vẫn còn một số trở ngại nhất định, như lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm để kích thích nhu cầu trở lại; chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án.
Rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán hoặc cân đối dòng tiền để trả nợ. Do vậy, những chủ đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu, sở hữu quỹ đất tốt và có khả năng phát triển và bán hàng mạnh mẽ là những chủ đầu tư sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” phía trước và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.
Còn trong góc nhìn của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, có thể “đặt cược” vào một số mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có khả năng “đi lên từ đáy”, với điều kiện là dường như những thứ xấu nhất đã đi qua và các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ đang có hướng mở rộng và đột phá hơn cho ngành bất động sản.
Trong góc nhìn của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, có thể “đặt cược” vào một số mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có khả năng “đi lên từ đáy”.
Tổng hòa các yếu tố này, kèm theo dòng tiền đầu cơ nhập cuộc, nhóm cổ phiếu bất động sản giai đoạn qua tăng khá tốt, trong đó có một số mã cổ phiếu đang nằm trong “tầm ngắm” chờ đợi sự bứt phá.
NVL có lẽ là cổ phiếu tâm điểm trong việc theo dõi quá trình tái cơ cấu, xử lý các vấn đề trái phiếu ở doanh nghiệp này. Dù Novaland lên kế hoạch lợi nhuận thấp nhất từ năm 2016 tới nay, với con số mục tiêu 214 tỷ đồng trong năm nay, giảm đến 90% so với năm 2022, nhưng những nỗ lực đề xuất gỡ vướng tại các dự án của Novaland đang cho tín hiệu khởi sắc. Đồng thời, Novaland cũng tái khởi động các dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) và NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thông xe, hai cao tốc này sẽ tạo hành lang du lịch liền mạch từ miền Nam và miền Trung tới Phan Thiết. Bên cạnh việc hưởng lợi từ các chính sách về trái phiếu, tín dụng, tiền tệ của Chính phủ thời gian gần đây thì sự kiện trên có thể xem là yếu tố “thiên thời” với Novaland. “Những cái xấu nhất của Novaland đều đã phơi bày, giờ là quá trình tái cấu trúc để bớt xấu đi”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Trong khi đó, khẩu vị của một nhóm nhà đầu tư khác cho việc “đầu cơ” cổ phiếu bất động sản là lựa chọn song song cả cổ phiếu mang tính an toàn và phiêu lưu.
Với nhóm cổ phiếu an toàn, nhóm nhà đầu tư này ưu tiên doanh nghiệp bất động sản có nền tảng tài chính tốt, phân khúc sản phẩm có nhu cầu cao, có đối tác ngoại, như NLG với vùng mua 29.000 đồng/cổ phiếu, hay KDH mới có thông tin về việc bán một phần vốn góp ở hai dự án cho Keppel Land để cùng hợp tác phát triển dự án.
Nhóm phiêu lưu là các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất tốt, có tính đầu cơ cao, tiềm lực tài chính trung bình, nếu có thêm các chất xúc tác như tăng vốn cũng có thể xem xét, như DIG ở vùng mua 16.000 - 17.500 đồng/cổ phiếu, hoặc như IJC sắp tăng vốn…
Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hanh thông trở lại, nhằm giải quyết bài toán thanh khoản đang gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
IJC đang lên kế hoạch chào bán gần 126 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% (sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với thị giá kết phiên 2/6 là 14.700 đồng/cổ phiếu.
Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023 - 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ thu về hơn 1.259 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ hơn 2.518 tỷ đồng lên hơn 3.777 tỷ đồng.
Công ty dự kiến dùng đến 60% nguồn vốn huy động, khoảng 756 tỷ đồng, để trả nợ gốc/lãi vay ngắn hạn, dài hạn ngân hàng, trái phiếu, trả nợ khách hàng; 466 tỷ đồng dự kiến được dùng để đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước.
Tương tự, dòng tiền đầu cơ cũng đang nhập cuộc khá tích cực ở cổ phiếu HQC, với kỳ vọng doanh nghiệp này được hưởng lợi bởi các chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội. HQC cũng có kế hoạch phát hành thêm, nên “hy vọng giá cổ phiếu sẽ lên trên mệnh giá để còn phát hành” được nhiều nhà đầu tư đưa ra.
Dòng tiền đầu cơ đang nhập cuộc khá tích cực ở cổ phiếu HQC, với kỳ vọng doanh nghiệp này được hưởng lợi bởi các chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, quan sát diễn biến trên thị trường, nhiều cổ phiếu bất động sản có thị giá dưới mệnh giá đã ghi nhận mức tăng chóng mặt.
Trong 1 tháng qua, QCG tăng 86%, với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên hơn 400.000 đơn vị, đưa giá cổ phiếu từ vùng 4.000 đồng/cổ phiếu lên 7.590 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu của QCG đi kèm với thông tin doanh nghiệp nhận được quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung hoàn trả cho Công ty số tiền gần 17 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM.
Đồng thời, QCG cũng nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tuyên bố QCG đã chấm dứt hợp đồng đúng quy định của pháp luật và buộc Sunny Island hoàn trả cho QCG toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận từ QCG trước đó.
EVG có mức tăng gần 100% trong 1 tháng qua, lên vùng 6.700 đồng/cổ phiếu, kèm theo những phiên khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu. Đặc biệt, phiên 25/5, cổ phiếu EVG có khối lượng khớp lệnh hơn 10,44 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu này đang bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.
Đáng chú ý, Công ty dự kiến trình kế hoạch doanh thu kỷ lục 1.800 tỷ đồng và lãi ròng gần 133 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 416% so với mức thực hiện trong năm 2022.
TDH cũng là điểm nhấn trên thị trường với 8 phiên trần liên tục, đưa giá cổ phiếu tăng 69%. Cổ phiếu này vừa được đưa ra khỏi hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5 do đã khắc phục được nguyên nhân, nhưng vẫn nằm trong diện cảnh báo do còn lỗ lũy kế đến 31/12/2022 hơn 688 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, dòng tiền đầu cơ đang nhập cuộc khá tích cực ở một số cổ phiếu bất động sản nhờ các tín hiệu như hạ lãi suất, các chính sách hỗ trợ, kết hợp với phân tích kỹ thuật cho thấy nhịp hồi phục so với giai đoạn giảm sâu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, sự đảo chiều của cổ phiếu chưa hoàn toàn đến từ việc cải thiện hoạt động lõi của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phân tích kỹ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp để tránh rủi ro. Việc FOMO, đua mua giá cao có thể dẫn tới nguy cơ thua lỗ kéo dài.